Chứng khoán 29/3 đỏ sàn, thanh khoản sụt giảm

17:46' - 29/03/2018
BNEWS Dòng tiền đã không tập trung vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn mà lan tỏa sang các mã cổ phiếu bất động sản bị “bỏ quên” trong thời gian qua.
Chứng khoán chiều 29/3 đỏ sàn, thanh khoản sụt giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch chiều 29/3, VN- Index giảm 5,21 điểm xuống còn 1.167,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 185,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị  trên 6.610,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 128 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 171 mã giảm giá.

HNX- Index giảm 0,68 điểm xuống 131,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 41,8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 707,3 tỷ đồng

Có thể thấy, thị trường giảm điểm và nhà đầu tư thì tỏ ra khá thận trọng. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch gần 227 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 7.300 tỷ đồng.

Dòng tiền đã không tập trung vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn và lan tỏa sang các mã cổ phiếu bất động sản bị “bỏ quên” trong thời gian qua.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến xấu đi khi phần lớn các mã trong nhóm giảm giá khá mạnh. Cụ thể, các mã giảm giá như: BVH, BMP, DHG, CTD, GAS, MSN, ROS, VJC và VNM; trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM giảm tới 4.000 đồng/cổ phiếu, VJC giảm 3.000 đồng/cổ phiếu,ROS giảm 9.600 đồng/cổ phiếu,  BVH giảm 1.000 đồng/cổ phiếu và MSN giảm 900 đồng/cổ phiếu.

Việc những cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm mạnh đã đẩy chỉ số VN30 lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu 6,35 điểm. Điều này cũng gây sức ép rất lớn lên chỉ số VN- Index.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ còn vài mã có mức tăng giá đáng kể như HPG tăng 900 đồng/cổ phiếu. HPG cũng được khối ngoại mua ròng trên 1,5 triệu đơn vị. VIC cũng là cổ phiếu hiếm hoi “ngược dòng” thị trường chung khi tăng 500 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy VIC bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 1,6 triệu đơn vị. Cổ phiếu FPT cũng khá tích cực khi tăng 600 đồng lên mức giá 59.500 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vậy FPT có mức thanh khoản rất thấp chỉ đạt hơn 822.000 đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra sự phân hóa. Các mã gồm: STB, MBB, BID, NVB, BAB, SHB, CTG và ACB có mức giảm giá nhẹ, trong khi VIB, VPB, VCB, HDB, KLB, EIB tăng giá; trong đó tăng mạnh nhất là VIB tăng 1.700 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền tỏ ra khá “dè dặt” khi mức thanh khoản trong nhóm này sụt giảm mạnh. Thanh khoản cao nhất trong nhóm ngân hàng thuộc về SHB cũng chỉ đạt mức trên 7,5 triệu đơn vị, trong khi STB chưa đực 6 triệu đơn vị. Con số thanh khoản như vậy là quá thấp, chưa bằng một phần lẻ của các cổ phiếu này trong những phiên giao dịch sôi động. 

Nhóm cổ phiếu dầu khí với sắc đỏ chiếm phần lớn với các đại diện tiêu biểu như: PLX giảm 600 đồng/cổ phiếu, PVS giảm 1.300 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 5,5 triệu đơn vị, trong khi TDG, BSR, PVB và PVC giảm giá nhẹ. Trong nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn vài mã tăng, tiêu biểu là POW tăng 600 đồng/cổ phiếu, OIL tăng 1.000 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền không tập trung vào nhóm cổ phiếu lớn và nhóm trụ cột ngân hàng, mà đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu bất động sản. Các mã cổ phiếu bất động sản giao dịch với khối lượng lớn như: FLC giảm 190 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 14 triệu đơn vị, SCR tăng 200 đồng/cổ phiếu và  khớp lệnh hơn 6 triệu đơn vị, CEO tăng 1.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 4,6 triệu đơn vị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục