Chứng khoán châu Á bừng sắc xanh

16:42' - 09/08/2016
BNEWS Chứng khoán châu Á đồng loạt khởi sắc, giữa bối cảnh các mã cổ phiếu ngành năng lượng hưởng lợi nhờ thông báo mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC
Chứng khoán châu Á bừng sắc xanh. Ảnh: reuters

Trong phiên giao dịch ngày 9/8, thị trường) về kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức về vấn đề sản lượng vào tháng tới - một tín hiệu tích cực khi giá dầu thế giới đang "kẹt" ở mức thấp.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á -Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng phiên thứ ba liên tiếp với việc ghi thêm 0,1%. Thị trường đang khan hiếm các thông tin kinh tế quan trọng có thể tác động đáng kể tới đà tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.

Do vậy, lời kêu gọi ngày 8/8 của OPEC về việc tổ chức các cuộc họp không chính thức của khối này tại Algeria nhằm ổn định thị trường dầu mỏ đã chi phối các thị trường chứng khoán châu Á.

Dự kiến, cuộc họp này sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế - được tổ chức tại Algeria trong các ngày 26-28/9 tới.

OPEC khẳng định sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ những diễn biến trên thị trường dầu mỏ và tiếp tục thảo luận thận trọng với tất cả quốc gia thành viên của tổ chức này về các cách thức và công cụ nhằm khôi phục sự ổn định và trật tự cho thị trường dầu mỏ.

Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 114,40 điểm (0,69%), lên 16.764,97 điểm, đánh dấu phiên "xanh sàn" thứ tư liên tiếp.

Mặc dù đồng USD không biến động đáng kể so với đồng yen trong phiên giao dịch ngày 9/8 song vẫn vượt xa ngưỡng 101 yen/USD ghi nhận trong tuần trước, qua đó hỗ trợ xu hướng đi lên của chứng khoán Nhật Bản. Đồng yen yếu giúp lợi nhuận từ thị trường bên ngoài của các nhà xuất khẩu "Xứ sở hoa anh đào" gia tăng, đồng thời khiến tính cạnh tranh của họ trở nên mạnh hơn.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 0,3%, còn tại Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến 0,6%.

Không nằm ngoài xu hướng trên, chứng khoán Thượng Hải cũng ghi điểm sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố báo cáo về tình hình lạm phát tháng 7/2016.

Cụ thể, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo giá hàng hóa tại cổng nhà máy, của nước này trong tháng Bảy vừa qua đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2015, mức giảm ít nhất trong vòng gần hai năm. Đây là tín hiệu chứng tỏ các điều kiện sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần được cải thiện.

PPI của Trung Quốc liên tục đi xuống trong hơn bốn năm qua, song đà giảm đã thu hẹp trong ba tháng gần đây, làm dấy lên hy vọng cho sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Khép lại phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 21,4 điểm (0,71%) lên 3.025,68 điểm Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong lại giảm 30,82 điểm (0,1%) xuống 22.463,94 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục