Chứng khoán châu Á chiều 7/2 biến động trái chiều

17:31' - 07/02/2022
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 7/2, giữa bối cảnh báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 1/2022 tốt ngoài dự kiến.

Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 7/2, giữa bối cảnh báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng 1/2022 tốt ngoài dự kiến đã làm dấy lên lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục trên đà phục hồi tích cực, song điều đó cũng làm gia tăng kỳ vọng về đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 191,12 điểm (0,7%), xuống 27.248,87 điểm. Kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với lo ngại về lạm phát và giá dầu thô tiếp tục "leo thang" đã khiến thịu trường chứng khoán Nhật Bản đi xuống ngay trong phiên đầu tuần. Sự sụt giảm này dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu liên quan tới lĩnh vực vận tải biển và khai khoáng.

Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 5,2 điểm (0,19%), xuống 2.745,06 điểm, dứt chuỗi ba phiên tăng điểm liên tiếp, do hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư sau đà tăng gần đây.

Thị trường chứng khoán Sydney cũng chìm trong sắc đỏ mặc dù xuất hiện thông tin rằng Australia sẽ chính thức mở cửa biên giới cho tất cả các du khách quốc tế, các loại thị thực, kể từ ngày 21/2 tới. Điều này giúp giá cổ phiếu của hãng hàng không Qantas tăng hơn 4%.

Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại đồng loạt lên điểm trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và giới đầu tư hòa theo sự hưng phấn của thị trường chứng khoán toàn cầu. Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tăng nhẹ 6,26 điểm, lên 24.579,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite cũng tiến 68,14 điểm (2,03%), lên 3.429,58 điểm.

Ngày 4/2, Bộ Lao động Mỹ thông báo nền kinh tế nước này đã có thêm 467.000 việc làm trong tháng 1/2022, dù có những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ mất đi việc làm trong bối cảnh gia tăng số ca mắc COVID-19 do sự bùng phát của biến thể Omicron. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng nhẹ lên mức 4%, tăng trưởng việc làm trong tháng 1/2022 vượt xa kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế, những người lo ngại rằng Mỹ sẽ mất việc làm vào tháng trước lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Hàng triệu người Mỹ đã bỏ lỡ công việc vào tháng 1/2022 sau khi cá nhân hoặc người thân của họ mắc COVID-19. Số lượng người Mỹ nghỉ ốm ở mức chưa từng có và một số hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân bị sụt giảm đáng báo động làm dấy lên lo ngại về triển vọng tích cực đối với báo cáo việc làm tháng 1/2022.

Tuy nhiên, thông tin tích cực trên lại đồng hành với dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ phải nâng lãi suất ít nhất bốn lần trong năm nay. Theo giới quan sát, việc chuyển sang chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn có thể sẽ bắt đầu vào tháng 3/2022, chấm dứt kỷ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng giúp thúc đẩy thị trường trong gần hai năm qua.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 7/2, VN-Index tăng 18,7 điểm lên 1.497,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 578,1 triệu đơn vị, tương ứng gần 18.054 tỷ đồng. Toàn sàn có 382 mã tăng giá, 32 mã đứng giá và 91 mã giảm giá.

HNX-Index tăng 2,6 điểm lên 419,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 54,8 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.518 tỷ đồng. Toàn sàn có 198 mã tăng giá, 28 mã đứng giá và 49 mã giảm giá.

UPCOM-Index tăng 1,06 điểm lên 110,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 51,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.158,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 227 mã tăng giá, 32 mã đứng giá và 59 mã giảm giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục