Chứng khoán châu Á đa phần tăng điểm trong phiên đầu tuần 6/6

11:19' - 06/06/2022
BNEWS Tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng sau khi Mỹ công bố một báo cáo việc làm mà theo dự đoán sẽ cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Theo đó, chứng khoán Nhật Bản trong phiên sáng 6/6 tăng cao hơn một chút do đồng yen yếu so với USD, cùng hy vọng rằng chính phủ nước này sẽ khởi động lại chiến dịch quảng bá du lịch trong nước sớm nhất là trong tháng này. Chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo tăng 0,30% (82,69 điểm) lên 27.844,26 điểm. Đà tăng chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu ngành dầu và than, vận tải hàng không và vận tải đường bộ.

Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chính đều mở đầu phiên trong sắc xanh. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong mở phiên với mức tăng 0,95% (tương đương 200,38 điểm) lên 21.282,51 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tiến 0,05% (1,5 điểm) lên 3.196,96 điểm.

Thị trường Taipei cũng tăng điểm, nhưng Sydney, Singapore, Manila và Jakarta đều đồng loạt đi xuống khi mở cửa.

Các thương nhân Mỹ đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán nước này vào cuối tuần trước, sau khi số liệu việc làm phi nông nghiệp của nước này cho thấy sự chậm lại trong hoạt động tuyển dụng, dù số vị trị mới được tạo ra vẫn nhiều hơn dự kiến.

Thông tin trên được đưa ra khi nhiều quan chức cho rằng Fed có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất khi họ cố gắng kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, với việc giá cả bị đẩy lên cao hơn do các yếu tố khác nhau, từ cuộc chiến ở Ukraine đến sự suy thoái do các lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc, vẫn còn những lo ngại rằng các biện pháp của Fed có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lạm phát tăng vọt đã buộc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết họ sẽ tăng lãi suất vào tháng Bảy tới. Nếu thành sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ ECB nâng lãi suất chủ chốt.

Ông Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn tài chính AMP Capital, cho biết vấn đề quan trọng đối với thị trường là liệu các ngân hàng trung ương có thể kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái hay không.

Chuyên gia này cũng lưu ý thị trường chứng khoán có khả năng tiếp tục biến động trong ngắn hạn, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách để chống lạm phát cao, cuộc chiến ở Ukraine vẫn kéo dài và lo ngại về suy thoái vẫn còn./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục