Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 24/2

17:26' - 24/02/2023
BNEWS Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 24/2, khi các nhà giao dịch vẫn lo lắng về lãi suất dài hạn tại Mỹ.

Tuy nhiên, chứng khoán Nhật Bản đã thành điểm sáng hiếm hoi của khu vực sau khi người sắp trở thành Thống đốc tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phát tín hiệu sẽ duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Chứng khoán Tokyo tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần, với nhận xét từ ông Kazuo Ueda, người được Thủ tướng Fumio Kishida đề cử giữ chức vị Thống đốc BoJ, ủng hộ giữ nguyên các chính sách hiện thời đã giúp nhà đầu tư “thở phào nhẹ nhõm”. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 1,29% (349,16 điểm) lên 27.453,48 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều đi xuống trong phiên này khi các nhà giao dịch gạt bỏ đà phục hồi ở Phố Wall để tập trung vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên cao hơn. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,68% (tương đương 341,31 điểm) xuống 20.010,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,62% (20,32 điểm) xuống 3.267,16 điểm

Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc ngày thứ Sáu ở mức thấp hơn do nhóm cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn mất điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng về đường lối chính sách tiền tệ của Mỹ. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,63% (15,48 điểm) và đóng cửa ở mức 2.423,61 điểm.

Chứng khoán Mumbai và Bangkok cũng trong vùng giảm. Nhưng chứng khoán Sydney, Wellington, Singapore và Jakarta lại đi lên.

Trong một tuyên bố trước các nhà lập pháp, ông Kazuo Ueda nói rằng cần tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và tạo ra một môi trường nơi các công ty có thể tăng lương. Bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi có tin lạm phát tại Nhật Bản đạt mức cao nhất trong vòng bốn thập kỷ là 4,2% vào tháng trước.

Nhìn chung, giới nhà phân tích cho biết tâm lý nhà đầu tư đã đi xuống sau khi họ hiểu rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Đa phần giới giao dịch vào đầu năm đã đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Điều đó đã khiến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lao dốc trong tháng này sau đợt phục hồi trong suốt tháng Một. Giới quan sát cảnh báo đây có thể là một năm gập ghềnh khác của chứng khoán thế giới sau cuộc khủng hoảng năm 2022.

Trọng tâm của thị trường bây giờ là Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý đầu tư SPI Asset Management cho biết chỉ số PCE cốt lõi sẽ tạo tiền đề cho các cập nhật dự báo kinh tế của Fed tại cuộc họp ngày 22/3. Ông nhận định những sửa đổi, cập nhật đó sẽ khó theo hướng ôn hòa.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch 24/2, VN-Index giảm 14,1 điểm xuống 1.039,56 điểm, HNX-Index giảm 1,98 điểm xuống 207,32 điểm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục