Chứng khoán châu Á giảm điểm phiên đầu tuần

09:53' - 24/06/2019
BNEWS Chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chú ý tới tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra .

Chứng khoán châu Á giảm điểm phiên đầu tuần. Ảnh minh họa" EPA/TTXVN

Các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều khi mở cửa ngày giao dịch 24/6 trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chú ý tới tình trạng xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sắp diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) và những quan ngại về căng thẳng Mỹ-Iran leo thang.

Vào đầu phiên giao dịch sáng 24/6, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,27%, tương đương 57,89 điểm, xuống còn 21.200,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,26%, tương đương 73,08 điểm, xuống còn 28.400,63 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite tăng 0,08% (2,31 điểm), lên 3.004,39 điểm.

Theo chiến lược gia trưởng toàn cầu Hirokazu Kabeya của Daiwa Securities, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày hai 28-29/6 tới tại Osaka (Nhật Bản) đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự kiến diễn ra bên lề hội nghị. Các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi liệu các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị đình hoãn hồi tháng 5/2019 có được nối lại hay không.

Còn theo chiến lược gia trưởng Yoshihiro Ito của Okasan Online Securities, những quan ngại về tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông và đồng yen tăng giá sẽ tác động tới các thị trường chứng khoán ở châu Á. Trong những ngày qua, căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Đánh giá về nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran, kênh truyền hình PressTV của Iran ngày 23/6 dẫn nhận định của cựu Tư lệnh Tối cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) James Stavridis cho rằng, căng thẳng giữa hai nước đã tăng lên mức cao nhất trong 3 thập niên qua, đồng thời cảnh báo xung đột quân sự giữa hai nước vẫn có thể xảy ra trừ khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Liên quan quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại kế hoạch triển khai các hành động quân sự để trả đũa việc Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái của quân đội Mỹ, ông Stavridis cho rằng quyết định đúng đắn này cho phép cả Mỹ và Iran có khoảng thời gian để nhận ra những gì họ đang hướng tới sẽ tạo ra một cuộc xung đột thực sự, dẫn tới những hệ quả khôn lường như đóng cửa Eo biển Hormuz hay tái diễn các vụ tấn công tàu chở dầu tại khu vực này.

Tỷ giá giữa đồng USD và yen đã giảm xuống còn 107,38 yen/USD vào đầu phiên giao dịch sáng 24/6 tại thị trường châu Á, thấp hơn so với mức 107,60 yen/USD trong ngày 21/6 tại thị trường New York (Mỹ).

Trước đó, tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, chỉ số VN – Index tăng nhẹ 0,02 điểm lên 959,20 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 206,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 5.455 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 67 mã đứng giá và 146 mã giảm giá. HNX – Index giảm 0,21 điểm xuống 104,85 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 27,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 361,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 71 mã tăng giá, 60 mã đứng giá, 67 mã giảm giá.

Kết thúc tuần giao dịch từ 17 – 21/6, VN - Index tăng 0,6% lên 959,18 điểm; HNX - Index tăng 1,3% lên 104,85 điểm. Thanh khoản được cải thiện so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 4.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Xét đến nội tại diễn biến thị trường, sự tích cực vẫn chưa được “trọn vẹn” khi chưa có sự đồng thuận tăng giá tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong những mã vốn hóa lớn, GAS là mã cổ phiếu tiêu biểu khi tăng tới 3,4%, SAB tăng 1,8%, VNM tăng 1,4%. Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VHM giảm tới 1,8%, VIC giảm 0,8%, BHN giảm tới 6%, trong khi MSN đi ngang. Sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục