Chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên chiều 3/1

16:43' - 03/01/2023
BNEWS Hầu hết các thị trường châu Á đi lên trong phiên 3/1 và bắt đầu một Năm Mới khá tích cực.

Nhưng những lo lắng về lãi suất, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc và xung đột ở Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tới tâm trạng nhà đầu tư.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đều đi lên với chứng khoán Hong Kong bắt đầu năm mới với mức tăng mạnh trước khi Macau (Trung Quốc) dự kiến mở lại biên giới với Trung Quốc vào ngày 8/1. Chỉ số Hang Seng phiên này tăng 1,84% (tương đương 363,88 điểm) lên 20.145,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tăng 0,88% (27,25 điểm) lên 3.116,51 điểm

Các thị trường Taipei, Manila, Mumbai và Jakarta cũng lên điểm, mặc dù Sydney, Singapore vẫn chìm trong sắc đỏ.

Chứng khoán Seoul kéo dài mức thua lỗ sang ngày thứ 4 do nhóm cổ phiếu công nghệ sụt giảm, khi các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với xu hướng tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Khép lại một phiên giao dịch chao đảo, chỉ số Kospi giảm 0,31% (6,99 điểm) và đóng cửa ở mức 2.218,68 điểm.

Sau một năm 2022 nhiều khó khăn đối với các nhà đầu tư, thị trường lại xuất hiện lo ngại rằng 12 tháng tới có thể tồi tệ hơn. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Trung Quốc sau khi nước này điều chỉnh chính sách "Zero COVID". Tình trạng bùng phát dịch đã dấy lên mối lo ngại mới về triển vọng kinh tế Trung Quốc, với việc các doanh nghiệp lại buộc phải đóng cửa sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được áp dụng trong gần ba năm.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết với việc nền kinh tế Trung Quốc có vẻ lung lay giống như kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến sự suy giảm, triển vọng của thế giới vào năm 2023 rất bi quan. Bà thậm chí còn cảnh báo năm 2023 có thể sẽ còn khó khăn hơn năm 2022.

Các nhà đầu tư hiện đang chuẩn bị cho một loạt đợt tăng lãi suất khác của ngân hàng trung ương trong những tháng đầu năm, khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nỗ lực kiềm chế lạm phát cao trong nhiều thập kỷ.

Chi phí đi vay tăng mạnh vào năm ngoái là lý do chính khiến thị trường chứng khoán phải gánh chịu hậu quả nặng nề, khi các nhà giao dịch dự tính sự kết thúc của giai đoạn tiền rẻ.

Fed và những ngân hàng trung ương khác đã gợi ý rằng họ sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng những ngân hàng trung ương này được cho là sẽ tăng lãi suất cao hơn dự kiến trước đây và không bắt đầu cắt giảm cho đến cuối năm 2023, thậm chí là năm 2024.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/1, chỉ số VN-Index tăng 36,81 điểm (3,66%) lên 1.043,9 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 7,25 điểm (3,53%) lên 212,56 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục