Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên sáng đầu tuần mới

11:02' - 22/10/2018
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 22/10 trong sắc đỏ, mặc dù mùa công bố lợi nhuận quý III của doanh nghiệp Mỹ bước vào giai đoạn cao trào.
Chứng khoán châu Á đỏ sàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Những lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị liên quan tới Saudi Arabia, vấn đề ngân sách của Italy và tiến trình đàm phán Brexit tiếp tục gây sức ép lên thị trường.

Đầu phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,25%.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 sụt mất 148,69 điểm (0,66%) xuống 22.383,39 điểm. Tại Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi cũng hạ 18,09 điểm (0,84%) xuống 2.138,17 điểm, khi các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài bán tháo các cổ phiếu có giá trị lớn.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại lên điểm khi các quan chức kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã đưa ra những bình luận để củng cố niềm tin trên các thị trường chứng khoán của nước này, sau khi số liệu thống kê cho thấy kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,5% trong quý III/2018 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2009. Trong phiên giao dịch sáng 22/10, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite tăng 202,39 điểm (0,79%) và 15,17 điểm (0,59%), lên lần lượt 25.763,79 điểm và 2.565,64 điểm.

Ngoài quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 kém khả quan, bất đồng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Italy về vấn đề ngân sách cũng tác động tới thị trường chứng khoán. Tuần trước, Chính phủ dân túy của Italy đã trình Ủy ban châu Âu dự thảo ngân sách 2019, trong đó có kế hoạch tăng chi tiêu và chấm dứt các chính sách khắc khổ thực hiện nhiều năm qua. EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kế hoạch này có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ngân sách của Italy bởi thâm hụt của nước này hiện tương đương 2,4% GDP, cao hơn nhiều so với con số 0,8% GDP mà chính phủ trung hữu trước đó ước tính. Brussels cho rằng Rome cần cắt giảm thâm hụt để bắt đầu giảm khối nợ khổng lồ mà hiện cao hơn gấp đôi mức trần 60% GDP theo quy định của EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục