Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm

16:22' - 10/01/2018
BNEWS Chứng khoán Hong Kong tiếp tục là "điểm sáng" trên bản đồ chứng khoán châu Á khi tăng điểm ngày thứ 12 nhờ sự tiếp sức của các mã cổ phiếu ngành năng lượng
Đà tăng trên khắp thị trường chứng khoán châu Á trong những ngày đầu Năm Mới 2018 dường như dần “hụt hơi” trong phiên ngày 10/1 khi phần lớn các thị trường nằm trong vùng âm do hoạt động bán ra chốt lời. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong vẫn tăng điểm ngày thứ 12 nhờ sự tiếp sức của các mã cổ phiếu ngành năng lượng.

Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm. Ảnh: Reuters
Số liệu kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp vững mạnh cũng như tâm lý lạc quan về ảnh hưởng của kế hoạch cắt giảm lãi suất khổng lồ của Tổng thống Donald Trump đã giúp chứng khoán toàn cầu tiến lên mức cao kỷ lục hay các mức cao của nhiều năm.

Tuy nhiên, một vài chuyên gia phân tích cho rằng đà tăng này cũng được thúc đẩy bởi lo ngại bỏ lỡ cơ hội, và báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới sẽ khiến các nhà đầu tư tạm nghỉ trước khi đưa ra động thái tiếp theo.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 23.788,20 điểm, chứng khoán Sydney để mất 0,6%, chứng khoán Singapore giảm 0,2% và chứng khoán Seoul giảm 0,4%. Chứng khoán Wellington và Đài Bắc đều giảm 0,8%.

Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong tiếp tục là "điểm sáng" trên bản đồ chứng khoán, khi chỉ số Hang Seng tăng 0,2% (62,31 điểm) lên 31.073,72 điểm. Giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ CNOOC, PetroChina và Sinopec đều tăng khoảng 2%. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,2% lên 3.412,83 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD suy yếu so với đồng yen, một ngày sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết thể chế này sẽ giảm dần chương trình mua trái phiếu, một phần trong chương trình kích thích kinh tế khổng lồ. Đồng bạc xanh cũng giao dịch bấp bênh trong những tháng gần đây do những đồn đoán các ngân hàng trung ương đang tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ, thu hẹp khoảng cách với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Một USD đổi được 112,15 yen so với mức 112,61 yen/USD trước đó.

Tuy vậy, đồng USD lên giá so với đồng NDT sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) tạo ra một bước ngoạt mang tính kỹ thuật nhằm thay đổi cơ chế nhằm giảm bớt sự kiểm soát đối với đồng nội tệ. Một USD đổi được 6,5278 NDT so với mức 6,4975 NDT/USD hôm 9/1, dù vẫn thấp so với mức gần 7 NDT/USD ghi nhận được trong khoảng đầu năm 2016.

Động thái này đã làm dấy lên lo ngại PBOC sẽ phá giá đồng NDT như đã từng làm trong năm 2015, gây ra sự hoảng loạn trên thị trường quốc tế, dù cho nhiều nhà phân tích cho rằng động thái này mang tính kỹ thuật nhiều hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục