Chứng khoán chiều 29/11: Sabeco công bố thoái vốn, SAB tiếp tục tăng mạnh

16:36' - 29/11/2017
BNEWS Đà tăng của SAB diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương (đơn vị sở hữu vốn tại Sabeco) yêu cầu đơn vị này trình phương án thoái vốn Nhà nước.

Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN- Index tăng 10,93 điểm lên 952,14 điểm. Khối lượng giao dịch 229,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 5.535,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 149 mã tăng giá, 54 mã đứng giá và 124 mã giảm giá.

HNX- Index tăng 2,45 điểm lên 113,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 93,1 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 1.375,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 111 mã tăng giá, 75 mã đứng giá và 71 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục bứt phá với nhiều mã tăng rất mạnh. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 20 mã tăng giá, và chỉ có 5 mã giảm giá.

Đáng chú ý, cổ phiếu SAB vẫn tiếp tục tăng rất mạnh tới 19.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 339.000 đồng/cổ phiếu và là cổ phiếu đắt nhất thị trường hiện nay, cổ phiếu này cũng đã phá kỷ lục thị trường trong 10 năm và bỏ xa các cổ phiếu như như CTD, VCS, VCF, VNM, ROS, WCS, SLS… So với đầu năm, cổ phiếu SAB đã tăng hơn 72%.

Đà tăng mạnh nhất của mà SAB từ đầu tháng 7, nhưng mức tăng vượt bắt đầu từ 2 tuần nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/11, cổ phiếu SAB được giao dịch với giá 318.800 đồng/cổ phiếu, mức kỷ lục kể từ khi Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán.

Điều này cũng giúp vốn hóa thị trường của "ông lớn" ngành bia này đạt trên 204.000 tỷ đồng, tương đương gần 9 tỷ USD.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm kể từ giai đoạn "bong bóng" thị trường chứng khoán vào 2007, có một mã cổ phiếu thị giá vượt qua mốc 300.000 đồng/đơn vị.

Sabeco niêm yết hơn 641 triệu cổ phiếu SAB trên sàn chứng khoán từ đầu tháng 12/2016, thuộc nhóm cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường, quy mô vốn hóa của công ty cũng luôn nằm trong top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất.

Đặc biệt, ngày 29/11, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố thông tin đợt chào bán tiếp 343.662.587 cổ phần Nhà nước của Sabeco, tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Theo đó, Bộ Công Thương công bố giá khởi điểm chào bán cổ phần Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu. 

Cụ thể, mức giá khởi điểm chào bán cổ phần Sabeco được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá gồm: mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn; mức giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin hôm nay.

Bên cạnh đó, số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư đăng ký mua tối thiểu là 20.000 cổ phần và tối đa là 343.662.587 cổ phần. Tỷ lệ số cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa là 49% vốn điều lệ Sabeco; số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký mua tối đa trong đợt chào bán lần này là 247.470.409 cổ phần. 

Theo Bộ Công Thương, tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện theo theo quy định tại Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco. Đặc biệt, tham gia phiên chào bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco, các nhà đầu tư thực hiện đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua tính theo giá khởi điểm chào bán đã công bố. 

Tuy nhiên, trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về mua bán công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán.

Nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức bán 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua. Dự kiến ngày 18/12/2017, sẽ tổ chức chào bán cổ phần của Nhà nước tại Sabeco.

Quay trở lại phiên giao dịch, Thị trường về cuối phiên càng đi theo chiều hướng rất tích cực. Ngoài SAB, tâm điểm của dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu nằm trong diện ‘thoái vốn’ của Nhà nước như còn lại như BMP, VCG, NTP, FPT…; trong đó, BMP tăng 3.700 đồng lên 97.100 đồng/cổ phiếu và NTP tăng 4.800 đồng lên 87.700 đồng/cổ phiếu.

Sự hứng khởi của nhóm cổ phiếu thoái vốn lan rộng ra nhiều mã cổ phiếu như BVH, CTG, MBB, STB, PLX, PVD,… Các mã này đều tăng rất mạnh. Trong đó BVH tăng tới 3.500 đồng/cổ phiếu, PLX tăng 1.700 đồng/cổ phiếu, MWG tăng 1.900 đồng/cổ phiếu, VJC tăng 2.000 đồng/cổ phiếu.

Phiên hôm nay ROS là cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh nhất và gây sức ép rất lớn cho chỉ số VN- Index. Cổ phiếu này đã giảm tới 12.900 đồng xuống 176.200 đồng/cổ phiếu. 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, DIG tiếp tục tăng 1.300 đồng lên mức giá trần 20.550 đồng và khớp lệnh gần 6,4 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu FLC tăng mạnh 210 đồng lên 7.230 đồng/CP và khớp lệnh lên đến gần 24,6 triệu cổ phiếu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục