Chứng khoán giảm mạnh nhất 23 tháng, vốn hóa sàn HOSE “bốc hơi” gần 10 tỷ USD

15:35' - 15/04/2024
BNEWS Áp lực bán tăng nhanh trong phiên chiều 15/4 khiến VN-Index giảm mạnh nhất 23 tháng. Hầu hết các nhóm cổ phiếu giảm rất sâu, nhiều mã giảm hết biên độ.

Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index giảm gần 60 điểm (4,7%) xuống mốc 1.216,61 điểm.  Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của chứng khoán Việt Nam trong vòng 23 tháng. Phiên giảm mạnh trước đó là ngày 12/5/2022, chốt phiên này VN-Index giảm 62,69 điểm (4,82%).

Khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 1,45 tỷ cổ phiếu, tương ứng gần 33.568 tỷ đồng. Toàn sàn có 40 mã tăng giá, 475 mã giảm giá và 30 mã đứng giá.

 

Với sự giảm giá mạnh của các nhóm cổ phiếu, giá trị vốn hóa HOSE cũng theo đó giảm 244.000 tỷ đồng (gần 10 tỷ USD), xuống còn 4,95 triệu tỷ đồng.

HNX-Index giảm 11,63% (4,82%) xuống mốc 229,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 165 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 3.529 tỷ đồng. Toàn sàn có 35 mã tăng giá, 172 mã giảm giá và 35 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 2,23 điểm xuống 88,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 68,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 859,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 67 mã tăng giá, 139 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

Rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm giá; trong đó, BCM, BID, GVR, MSN, SSI, VRE giảm kịch sàn. Nhiều mã giảm sát giá sàn. Trong nhóm này chỉ còn duy nhất SHB tăng nhẹ 0,44%.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ còn duy nhất PTB đứng ở tham chiếu. Các mã PVB, PVD, PVC giảm hết biên độ. Các mã BSR, OIL. PLS, PVS, POS, TOS cũng đều giảm sâu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không còn mã nào ở chiều giá tăng. Nhiều mã giảm kịch sàn như AGR, APS, BCG, BSI, BVS, CTS, EVS, FTS, HCM, VND, VDS...

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau giảm sàn. Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, xây dựng và vật liệu, bảo hiểm... giảm rất mạnh, nhiều mã giảm sàn.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm tương đồng với các thị trường chứng khoán thế giới. Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 15/4, sau khi cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xung đột lan rộng.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1% xuống 39.114,19 vào thời điểm nghỉ giữa phiên sáng. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng để mất 0,8% xuống 16.596,27 điểm. Các thị trường Singapore, Seoul, Đài Bắc và Manila đều mất ít nhất 1%. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney và Wellington.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.055,31 điểm, sau khi Trung Quốc mới đây đã công bố các biện pháp quản lý thị trường mới góp phần cải thiện hoạt động của thị trường trong dài hạn.

Ngày 13/4, Iran đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa về phía Israel. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhiều nước đã bày tỏ lo ngại về vụ tấn công trên, đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt hành động thù địch cũng như kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông.

Bên cạnh những diễn biến leo thang căng thẳng tại Trung Đông, thị trường chứng khoán còn chịu áp lực từ những lo ngại về triển vọng lãi suất của Mỹ sau các số liệu việc làm và lạm phát gần đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục