Chứng khoán Mỹ chứng kiến tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018

10:19' - 08/12/2018
BNEWS Mặc dù bắt đầu tuần mới với sắc xanh, song Phố Wall lại liên tiếp mất lực trong những phiên giao dịch còn lại của tuần.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ ngày 11/10/2018. Ảnh: THX/ TTXVN

Mặc dù bắt đầu tuần mới với sắc xanh, song Phố Wall lại liên tiếp mất lực trong những phiên giao dịch còn lại của tuần, giữa bối cảnh sự hưng phấn đối với thỏa thuận "ngưng chiến" về thương mại mà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Buenos Aires đã nguội bớt.

Thay vào đó, nhà đầu tư đang ngày càng tỏ ra thận trọng trước diễn biến kinh tế và địa chính trị thế giới. Điều này đã khiến ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ chứng kiến tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2018.

Các thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc ngay trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 3/12, sau khi Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tạm ngừng cuộc chiến thương mại và thuế quan, trong bối cảnh giá dầu tăng nhờ đồn đoán về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng.

Dù vậy, các chuyên gia thuộc Capital Economics có trụ sở tại London cho hay họ không tin chắc “sự ngừng chiến” đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Buenos Aires có thực sự làm xoay chuyển cuộc chiến thương mại hay không, nhất là với những vấn đề còn bất đồng như quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường chưa được giải quyết.

Họ cũng sẽ không ngạc nhiên nếu không có thỏa thuận nào đạt được trong thời gian 90 ngày, thời gian mà Mỹ đã cam kết sẽ ngừng các đợt tăng thuế mới vốn đã được lên kế hoạch trước đó.

Phố Wall đã để tuột mất đà tăng ngay ở phiên sau đó, khi cả ba chỉ số chủ lực dều mất hơn 3%.

Giới đầu tư lo ngại sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, tạo thêm sức ép đối với châu Âu và châu Á - hai khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong tăng trưởng.

Trong khi đó, những thông tin có tính gây nhiễu mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra cũng khiến họ mất phương hướng.

Đơn cử như việc có hay không việc Trung Quốc đã đồng ý giảm và rỡ bỏ rào cản đối với xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ như tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump.

Cùng với đó, việc bổ nhiệm ông Robert Lighthizer làm trưởng phái đoàn đàm phán của phía Mỹ cũng gây ra những lo ngại, vì Đại diện thương mại Mỹ là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và cổ vũ quan điểm đánh thuế hàng nhập khẩu từ quốc gia châu Á này.

Sau khi đóng cửa để quốc tang cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush vào ngày 5/12, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đỏ sàn trong hai phiên giao dịch cuối tuần.

Tâm lý lạc quan liên quan đến cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa kịp kéo dài sau thỏa thuận “đình chiến” hôm 1/12 thì mối quan ngại trở nên sâu sắc hơn sau vụ Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou bị bắt giữ tại Canada để dẫn độ về Mỹ do nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 7/12), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 558,72 điểm (tương đương 2,24%) xuống 24.388,95 điểm, chỉ số S&P 500 mất 62,87 điểm (tương đương 2,33%) còn 2.633,08 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 219,01 điểm (tương đương 3,05%) xuống 6.969,25 điểm.

Mặc dù các số liệu trái chiều về thị trường việc làm Mỹ trong tháng 11 đã làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm dừng nâng lãi suất, qua đó hỗ trợ thị trường cổ phiếu “nhích” nhẹ vào đầu phiên, song chừng đó là không đủ để duy trì đà tăng này đến hết phiên.

Cụ thể, theo báo cáo ngày 7/12 của Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp nước này đã tạo thêm 155.000 việc làm trong tháng 11 vừa qua, thấp hơn mức dự báo tăng 200.000 việc làm của các chuyên gia tham gia khảo sát Reuters.

Trong khi mức lương trung bình mỗi giờ của người lao động trong tháng 11 lại tăng nhẹ 0,2%.

Ngoài ra, thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC và các nước ngoài tổ chức này vừa đạt được tại cuộc họp ở Vienna (Áo) cũng giúp giá dầu đi lên và tạo lực đẩy cho Phố Wall vào đầu phiên.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones mất 4,5%, S&P 500 giảm 4,6% và Nasdaq Composite sụt 4,9%. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 mất 3,5% trong phiên này, còn nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe- vốn là một trong những lĩnh vực diễn biến tốt nhất kể từ đầu năm của S&P- cũng hạ 2,5%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục