Chứng khoán Mỹ có mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 10/2020
Nhìn lại tuần qua, giá cổ phiếu trên Phố Wall ghi nhận xu hướng tăng giảm trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước những thông tin liên quan đến sự lây lan dịch COVID-19 và kỳ vọng vào các biện pháp kích thích mới của Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cụ thể, phiên giao dịch đầu tuần (11/1) các chỉ số đều hạ do tâm lý thận trọng của giới đầu tư khi số ca mắc COVID-19 mới không ngừng gia tăng trên toàn cầu.
Trong hai phiên tiếp theo (12-13/1), kỳ vọng vào việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế mới của Mỹ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức Tổng thống đã tiếp sức cho thị trường.
Các nhà kinh tế dự báo một khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối rộng rãi hơn, quá trình phục hồi sẽ diễn ra trên diện rộng trong nửa cuối năm.
Chính phủ sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cùng với lưỡng viện do đảng Dân chủ kiểm soát dự kiến sẽ thúc đẩy nhiều hơn các biện pháp chi tiêu và gói cứu trợ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Giới phân tích cho rằng yếu tố chính hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư là việc họ đặt cược vào một nền kinh tế được cải thiện vào năm 2021.
Sang đến phiên giao dịch 14/1, sắc đỏ trở lại khi giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn giảm gây sức ép lên thị trường.
Xu hướng giảm điểm tiếp tục kéo dài sang phiên cuối tuần (15/1) sau khi Tổng thống đắc cử Biden công bố gói hỗ trợ kinh tế trị và nhà đầu tư đánh giá báo cáo hoạt động của ba ngân hàng lớn của Mỹ.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 0,6% xuống 30.814,26 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng mất 0,7% xuống 3.768,25 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,9% và đóng cửa ở mức 12.998,5 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,9%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều thấp hơn 1,5% so với tuần trước.
Ngày 14/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã công bố một gói kích thích đề xuất trị giá 1.900 tỷ USD để kích hoạt nền kinh tế và đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Mặc dù lưỡng viện do đảng Dân chủ kiểm soát, nhưng dự kiến, dự luật chi tiêu lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden vẫn sẽ vấp phải nhiều cản trở do lợi thế mỏng của đảng Dân chủ ở Thượng viện.
Ông Boris Schlossberg, giám đốc điều hành tại BK Asset Management, nhận định các diễn biến trên thị trường dường như đã chững lại khi các nhà giao dịch tìm kiếm chất xúc tác mới để thúc đẩy giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó, quan ngại về sự chậm chạp trong quá trình sản xuất và cung cấp vaccine cũng khiến tâm lý nhà đầu tư kém lạc quan.
Ngày 15/1, hãng dược phẩm Pfizer đã thừa nhận về sự chậm trễ chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 song họ sẽ nỗ lực nâng sản lượng lên 2 tỷ liều/năm trong năm nay.
Ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Tổng Giám đốc của hãng dược Pfizer đã đảm bảo sẽ cung cấp đủ số liều vaccine ngừa COVID-19 theo đơn đặt hàng của khối trong quý đầu tiên của năm 2021.
Cùng ngày, mùa công bố báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khởi động với ba tập đoàn ngân hàng lớn là JPMorgan Chase & Co, Citigroup và Wells Fargo.
JPMorgan Chase công bố lợi nhuận quý IV/2020 với lợi nhuận hàng quý cao nhất từ trước đến nay sau khi giải phóng 2,9 tỷ USD tiền quỹ vốn được dành để trang trải các khoản nợ xấu. Trong khi đó, Citigroup và Wells Fargo đều có kết quả kinh doanh giảm sút.
Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho biết ông đang chú ý đến các công ty hoạt động theo chu kỳ hoặc những công ty "nhạy cảm" với những thay đổi trong chu kỳ kinh tế, khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ông cho biết: "Các lĩnh vực ưa thích của chúng tôi là tiêu dùng, tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghiệp. Chúng tôi tin rằng các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình có nhiều tiềm năng tăng do tăng trưởng thu nhập của họ sẽ vượt qua các công ty vốn hóa lớn trong bối cảnh hoạt động kinh tế được bình thường hóa.”
Trong khi đó, theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần trước, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã tăng vọt lên 965.000, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2020.
Đây là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng các ca mắc COVID-19 có khả năng làm tăng tình trạng sa thải.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào khoảng 225.000 đơn. Tuy nhiên, con số này đã duy trì trên mốc 700.000 kể từ tháng 9/2020.
Sự gia tăng này diễn ra giữa lúc nền kinh tế đang chững lại khi người tiêu dùng tránh đi du lịch, mua sắm và ăn uống do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại rằng với hàng triệu người Mỹ vẫn đang thất nghiệp và tỷ lệ cứ sáu công ty nhỏ thì có một công ty ngừng hoạt động kinh doanh, những người dân chịu tổn thương nhiều nhất do suy thoái kinh tế sẽ không được hưởng lợi từ đà phục hồi.
Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định dù triển vọng của nền kinh tế vào cuối năm 2021 khá lạc quan, đà phục hồi của thị trường lao động dường như có dấu hiệu chững lại./.
Tin liên quan
-
Chứng khoán
Chứng khoán châu Á phiên 15/1 diễn biến trái chiều
16:23' - 15/01/2021
Chứng khoán châu Á phiên chiều 15/1 hầu hết “thờ ơ” đề xuất kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
-
Chứng khoán
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 14/1 giảm điểm
08:15' - 15/01/2021
Chốt phiên 14/1, chỉ số Dow Jones giảm 68,95 điểm, xuống 30.991,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,3 điểm, xuống 3.795,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 16,31 điểm, xuống 13.112,64 điểm.
Tin cùng chuyên mục
-
Chứng khoán
Dòng vốn ngoại đang quay lại thị trường chứng khoán Canada
15:32'
Các nhà đầu tư quốc tế đang quay lại với thị trường chứng khoán Canada, thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy ròng vào Canada tăng đột biến với tốc độ mạnh nhất trong hơn 5 năm.
-
Chứng khoán
Yếu tố thuận lợi nào sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì tăng trưởng?
14:57'
Năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi để tăng trưởng nhờ nhu cầu giấy trong nước và thế giới tăng cao.
-
Chứng khoán
Ông Trịnh Văn Quyết mua thêm 15 triệu cổ phiếu FLC
12:00'
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thông báo vừa hoàn tất mua thêm 15 triệu cổ phiếu FLC, nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên hơn 30%.
-
Chứng khoán
Doanh số tiêu thụ Thực phẩm Sao Ta tăng gần 10%
11:14'
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) vừa cho biết, tháng 2/2021 doanh số tiêu thụ là 11,1 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2020.
-
Chứng khoán
Hơn 15 triệu cổ phiếu VCA sắp niêm yết trên HOSE
09:17'
Hơn 15,1 triệu cổ phiếu VCA sẽ niêm yết lần đầu trên HOSE vào ngày 10/3/2021.
-
Chứng khoán
Chứng khoán Âu-Mỹ phiên 3/3 biến động trái chiều
08:23'
Phiên 3/3, TTCK Âu-Mỹ biến động trái chiều trước quan ngại về lạm phát, trong khi cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không và công nghiệp hưởng lợi từ các thông tin tích cực về vaccine ngừa COVID-19.
-
Chứng khoán
Sàn thương mại điện tử Bukalapak lên kế hoạch IPO
17:32' - 03/03/2021
Sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) và IDX (Indonesia).
-
Chứng khoán
Chứng khoán châu Á lấy lại đà tăng phiên 3/3
17:12' - 03/03/2021
Trong phiên giao dịch chiều 3/3, thị trường chứng khoán châu Á lấy lại đà tăng sau đà giảm trong phiên trước.
-
Chứng khoán
Doanh nghiệp cao su đồng loạt hạ mục tiêu lợi nhuận trong năm 2021
16:01' - 03/03/2021
Mặc dù vừa trải qua một năm “bội thu” bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19, song kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cao su trong năm 2021 vẫn khá thận trọng.