Chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần có mức tăng ấn tượng

11:55' - 15/02/2020
BNEWS Các chỉ số chính trên thị trường Phố Wall tăng giảm trái chiều trong phiên 14/2.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần có mức tăng ấn tượng. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chỉ số chính trên thị trường Phố Wall tăng giảm trái chiều trong phiên 14/2, nhưng vẫn kết thúc tuần giao dịch với mức tăng điểm khá ấn tượng, khi tất cả các chỉ số hồi đầu tuần đều đạt những mức kỷ lục trước khi thoái lui vì những lo ngại về sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV).

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1%, xuống 29.398,08 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 0,2% và đóng cửa ở mức 9.731,18 điểm. Còn chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,2%, lên 3.380,16 điểm.

Theo chuyên gia Peter Cardilla của công ty môi giới đầu tư Spartan Capital Securities, sự tăng giảm trái chiều của các chỉ số chính tại Phố Wall trong phiên này là do các nhà đầu tư không muốn giao dịch nhiều trước một kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài tới thứ Hai tuần sau.

Mặc dù vậy, tính chung trên cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn tăng 1%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 2,2% và chỉ số S&P 500 cũng tăng 1,6%.

Sắc xanh – đỏ đan xen trên Phố Wall trong phiên cuối tuần là một sự tương phản so với diễn biến trong phiên ngày thứ Năm (13/2), khi cả ba chỉ số đều đóng cửa trong sắc đỏ. Yếu tố chính ảnh hưởng tới phiên này là thông tin số ca tử vong và nhiễm bệnh mới do COVID-19 tại Trung Quốc tăng mạnh trong ngày 13/2 sau khi cơ quan chức năng nước này thay đổi cách thống kê. Theo đó, số người mới được chẩn đoán lâm sàng cũng được tính gộp vào số người nhiễm mới mà không cần phải xét nghiệm dương tính, nâng số ca tử vong và tổng số ca nhiễm tăng lên đột biến.

Theo thông báo mới nhất sáng 15/2 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, đến hết ngày 14/2, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 1.523 ca tử vong do COVID-19 và 66.492 trường hợp nhiễm bệnh. Sự lây lan của dịch COVID-19 tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm dấy lên những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên trong ba phiên đầu tuần tính từ ngày 10-12/2, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều liên tiếp lập đỉnh khi giới đầu tư tỏ ra chưa quá lo ngại về tình hình và tác động của dịch bệnh lên kinh tế toàn cầu.

Song các chuyên gia cũng lưu ý rằng mặc dù các chỉ số chính của Phố Wall vẫn ở quanh đạt mức cao kỷ lục, một số dấu hiệu đã xuất hiện cho thấy hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã yếu đi. Báo cáo mới nhất về doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 1/2020 chỉ tăng khá yếu ở mức 0,3%, trong đó doanh số tại các cửa hàng quần áo giảm tới 3,1%.

Các nhà phân tích nói rằng đây có thể là yếu tố làm suy yếu thị trường trong thời gian tới nếu người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu. Điều này sẽ tác động khá lớn tới thị trường khi chi tiêu đầu tư cho sản xuất của các công ty Mỹ vốn đã trì trệ, còn hoạt động bán xe ô tô và nhà đất tại nước này cũng có dấu hiệu đứng yên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục