Chứng khoán ngày 12/1: Cổ phiếu họ dầu khí “nhuộm” sắc xanh

15:21' - 12/01/2022
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 12/1, cổ phiếu họ dầu khí đồng loạt tăng điểm, trong đó mã chứng khoán PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đã tăng trần.
Cổ phiếu PVD của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí đã tăng trần 6,9% và đóng cửa ở mức 31.550 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên cao nhất trong nhóm dầu khí với hơn 13,6 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn đã tăng 3% và đóng cửa ở mức 23.800 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 11,9 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PVOIL) đã tăng 4,4% và đóng cửa ở mức 18.900 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 4,9 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu POS của CTCP Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí Biển PTSC đã tăng 1,3% và đóng cửa ở mức 18.300 đồng/cổ phiếu. 

Cổ phiếu PVB của Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCOATING) là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã tăng 2,1% và đóng cửa ở mức 19.800 đồng/cổ phiếu. 

Cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí – CTCP đã tăng 6,3% và đóng cửa ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 3 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu PVS của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã tăng 3,6% và đóng cửa ở mức 28.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt hơn 11,4 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tăng 4,55% và đóng cửa ở mức 108.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 1,5 triệu cổ phiếu.

Riêng cổ phiếu PVT của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã giảm 1% và đóng cửa ở mức 9.800 đồng/cổ phiếu. 

Theo các chuyên gia, thị giá cổ phiếu dầu khí có sự liên thông chặt chẽ với giá dầu thế giới. Vì vậy, giá dầu năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022 chính là động lực khiến nhóm cổ phiếu dầu khí tăng rõ rệt từ đầu tháng 1 đến nay.

Trong phiên ngày 11/1, giá dầu thế giới tăng gần 4% nhờ sự hỗ trợ từ nguồn cung thắt chặt và dự báo số ca mắc COVID-19 gia tăng và sự lây lan của biến thể Omicron sẽ không làm ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu toàn cầu.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,85 USD (3,5%) lên 83,72 USD/thùng, mức đóng phiên cao nhất kể từ đầu tháng 11/2021. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,99 USD (3,8%) lên 81,22 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021. 

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa dự báo rằng tác động kinh tế của biến thể Omicron sẽ chỉ trong ngắn hạn, đồng thời nói thêm rằng tình hình kinh tế các quý tiếp theo có thể rất tích cực sau khi sự gia tăng ca mắc liên quan đến biến thể này giảm xuống.

Theo dự báo của nhiều tổ chức cho uy tín như Wood Mackenzie, EIA, giá dầu thô thế giới sẽ có mức giá trung bình khoảng 74-75 USD/thùng trong năm 2022 bởi dịch bệnh COVID-19 được khống chế cùng với quá trình phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Còn Maybank IBG Research dự báo giá dầu Brent năm 2022 sẽ đạt khoảng 75-80 USD/thùng nên sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành dầu khí Việt Nam thông qua việc kích thích các hoạt động thăm dò và khai thác sôi động hơn.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính Barclays đã nâng dự báo giá dầu trung bình cho năm 2022 thêm 3 USD/thùng. Theo đó giá dầu Brent và WTI trung bình trong năm tới sẽ ở mức lần lượt là 77 USD/thùng và 80 USD/thùng. 

Một số chuyên gia khác nhận định, thị trường dầu mỏ nhìn chung sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc cung không đủ cầu nên giá dầu năm 2022 sẽ tăng so với năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục