Chứng khoán ngày 17/3: Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí hồi phục mạnh

17:11' - 17/03/2020
BNEWS Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, chỉ số VN - Index chỉ còn giảm 2,08 điểm trong khi cuối phiên sáng VN - Index giảm 6,92 điểm xuống 745,78 điểm.
Các nhà đầu tư trong một phiên giao dịch chứng khoán. Ảnh: TTXVN

Nếu như đầu giờ sáng, toàn thị trường sắc đỏ bảo trùm, thì kết thúc phiên chiều, sắc xanh đã lan tỏa rộng ra các nhóm cổ phiếu, các mã cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh mẽ sau thông tin Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ giảm giá một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/3, chỉ số VN - Index chỉ còn giảm 2,08 điểm trong khi cuối phiên sáng VN - Index giảm 6,92 điểm xuống 745,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 287,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 4.378,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 221 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 154 mã giảm giá.

HNX - Index đã đảo chiều tăng 1,1 điểm trong khi cuối phiên sáng chỉ số này giảm 0,21 điểm lên 100,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 52,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 539 tỷ đồng. Toàn sàn có 81 mã tăng giá, 42 mã đứng giá và 68 mã giảm giá.

Nguyên nhân của việc VN - Index vẫn chưa thể kết thúc trong sắc xanh là do nhóm cổ phiếu họ Vingroup vẫn giảm sâu. Cụ thể, VRE giảm tới 6,8%, VIC giảm 4,3%, VHM giảm 2,6%. Bên cạnh đó, cổ phiếu đầu ngành thực phẩm - đồ uống là VNM cũng giảm 1%, SAB giảm tới 5,9%.

Đây là những cổ phiếu có vốn hóa lớn hàng đầu thị trường có sức ảnh hưởng rất lớn lên chỉ số. Chính vì vậy, dù các mã cổ phiếu còn lại trên thị trường đã hồi phục mạnh mẽ nhưng VN - Index đã không thể tăng điểm.

Trong rổ cổ phiếu VN30 đã có tới 19 mã tăng giá, 10 mã giảm giá và 1 mã đứng giá trong khi mở cửa phiên sáng nay cả 30 mã đều giảm giá.

Các mã trong nhóm VN30 tăng mạnh như: REE tăng 6,6%, CTD tăng 6%, FPT tăng 1,9%, MWG và VJC đều tăng 1,7%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã hồi phục rất tích cực, chuyển từ giảm giá sang tăng giá. Cụ thể, PLX đã tăng tới 6,9% lên mức giá trần 39.350 đồng/cổ phiếu. TDG cũng tăng 6,7% lên mức giá trần. Các mã GAS, BSR, PVS, PVD... đều kết phiên trong sắc xanh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã xanh trở lại. Từ chỗ chìm trong sắc đỏ thì phiên chiều chỉ còn HDB giảm 2,3% và VIB giảm 0,7%. Các mã còn lại đều kết phiên với mức tăng khá mạnh.

Theo đó, BID tăng 3%, SHB và TPB tăng 2,7%, NVB tăng 2,3%, STB tăng 2,1%, TCB tăng 2,9%, CTG tăng 2,4%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hồi phục mạnh mẽ trước thông tin Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ giảm giá một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán ngay trong tuần này.

Theo đó, trước mắt sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về mức hợp lý. Các loại giá dịch vụ khác trên thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét và xin ý kiến Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện khi cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời nhất cho nhà đầu tư và thị trường.

Cụ thể, các mã cổ phiếu lớn nhất trong nhóm chứng khoán như SSI tăng tới 6,8% lên mức giá trần 14.200 đồng/cổ phiếu, HCM cũng tăng 6,8% lên mức giá trần 14.050 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, các mã nhỏ hơn như ART, SBS cũng đều tăng lên giá trần. Các mã BVS, SHS... đã đảo chiều tăng giá.

Hôm nay khối ngoại vẫn chưa thôi bán ròng. Theo đó, trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng mạnh với giá trị bán ròng lên tới 564,52 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 12,35 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là PVS (hơn 7,3 tỷ đồng), SHS (hơn 2,6 tỷ đồng), TIG (trên 1,1 tỷ đồng).

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 9,24 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là QNS (gần 5 tỷ đồng), VEA (hơn 3,2 tỷ đồng), ACV (hơn 2,8 tỷ đồng).

Trên thị trường thế giới, chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 17/3 sau khi Phố Wall trải qua một ngày giao dịch tồi tệ nhất trong hơn ba thập niên giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Khép phiên này, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,3% xuống 2.779,64 điểm. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,1% lên 17.011,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,87% lên 23.263,73 điểm.

Chứng khoán Sydney phiên này tăng 5,8% sau đà giảm 9,7% trong phiên trước - phiên giao dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay. Chứng khoán Mumbai phiên này tăng 0,8% trong khi chứng khoán Bangkok nhích nhẹ. Thị trường Jakarta phiên này giảm hơn 4%. Sắc đỏ đồng thời được ghi nhận tại thị trường Seoul, Đài Bắc và Singapore. Chứng khoán Wellington phiên này giảm điểm bất chấp việc Chính phủ New Zealand công bố gói biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trị giá 7,3 tỷ USD.

Ngân hàng National Australia Bank trong một tuyên bố mới đây nhận định các biện pháp mạnh tay được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đưa ra không đủ sức xoa dịu các thị trường. Hiện giới đầu tư vẫn rời khỏi tài sản an toàn giữa bối cảnh các chính phủ đẩy mạnh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Philippines ngày 17/3 đã ra lệnh ngừng hoạt động giao dịch trên sàn chứng khoán của nước này. Đây là quốc gia đầu tiên đóng cửa thị trường tài chính do lo ngại về tác động của dịch COVID-19. Trong phiên 16/3, chỉ số PSE của Philippines đã giảm 7,9% khi giới đầu tư hoang mang trước tác động của dịch COVID-19.

Lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hiện cam kết làm hết sức để bảo vệ nền kinh tế trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nền kinh tế nước này “có thể” tiến tới khủng hoảng./.

Xem thêm:

>>Chứng khoán châu Á biến động ngược chiều trong phiên 17/3

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục