Chứng khoán ngày 5/9: Cổ phiếu thép “dậy sóng”

16:14' - 05/09/2022
BNEWS Nhóm cổ phiếu thép “lội ngược dòng” khi đồng loạt tăng mạnh, thậm chí nhiều mã còn tăng hết biên độ.
Các chỉ số chứng khoán phiên giao dịch hôm nay 5/9 dao động trong biên độ hẹp. Nhiều nhóm ngành chìm trong sắc đỏ đã đẩy chỉ số VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép “lội ngược dòng” khi đồng loạt tăng mạnh, thậm chí nhiều mã còn tăng hết biên độ.
Cụ thể, HPG là cổ phiếu đầu ngành thép có mức tăng 3,9%, đây cũng là mức tăng cao nhất trong rổ cổ phiếu VN30. Các mã HSG, TLH, NKG tăng trần. Bên cạnh đó, VGS tăng 9,2%, BVG tăng 5,9%, SMC tăng 5,8%, POM tăng 4,3%, HMC tăng 4,2%, KMT tăng 1,1%.
Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Thương Tín nhận định, trước việc thị trường bất động sản trong nước đang chững lại do các ngân hàng siết chặt tín dụng cùng với tình trạng giải ngân đầu tư công chậm, ngành thép Việt Nam trong thời gian vừa qua gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hàng tồn kho cao, nhu cầu thép xây dựng thấp buộc doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, thậm chí có giai đoạn phải tạm dừng sản xuất. Việc chủ động đẩy nhanh bán hàng tồn kho trong khi nhu cầu giảm đã khiến giá thép thành phẩm nhiều chủng loại giảm nhanh ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.
Mặt khác, ngành thép trong nước cũng đang gián tiếp chịu tác động từ cuộc khủng hoảng ngành thép Trung Quốc cũng như những biến động khó lường từ chiến sự Nga - Ukraine càng khiến tình hình thị trường thép thế giới biến động khó lường, giá nguyên vật liệu tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới cũng là yếu tố rủi ro mà ngành thép đang phải đối mặt. Việc lạm phát không ngừng leo thang khiến người tiêu dùng co lại; trong đó, xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi không phải là nhu cầu thiết yếu.
Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu ngành thép nói chung. Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi phần lớn nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trước bối đó, từ tháng 4 đến nay giá cổ phiếu ngành thép cũng ghi nhận mức sụt giảm rất mạnh. Nhiều cổ phiếu niêm yết đã giảm từ khoảng 50-70% so với mức đỉnh, điều này đã phản ảnh bức tranh những gì mà ngành thép đã đang và sẽ đối mặt.
Mặc dù giá cổ phiếu đã giảm sâu, công ty chứng khoán này vẫn khuyến nghị đối với nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tham gia mua vào trong giai đoạn này. Việc nắm giữ cổ phiếu thép chỉ thực sự phù hợp cho danh mục dài hạn.
Trở lại diễn biến thị trường, sau phiên sáng chìm trong sắc đỏ, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tích cực trở lại trong phiên chiều, tạo điểm tựa cho thị trường chung.
Theo đó, các mã BSR, OIL, PVB, PVD, PVC, PVS, POS ở chiều tăng giá. Cùng đó, cổ phiếu ngành phân bón như DCM, BFC, DPM ở chiều giá xanh.
Giá dầu tại thị trường châu Á tăng hơn 1 USD/thùng phiên giao dịch sáng 5/9, kéo dài đà tăng khi các nhà đầu tư chú ý đến các động thái khả thi của các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC +, nhằm điều chỉnh sản lượng và hỗ trợ giá tại cuộc họp diễn ra vào cuối ngày hôm nay.
Cụ thể, mở của phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,5% lên 94,45 USD/thùng, sau khi tăng 0,7% vào cuối tuần. Bên cạnh đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đứng ở mức 88,12 USD/thùng, tăng 1,4%, sau khi tăng 0,3% trong phiên trước đó. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào phiên 5/9.
Giá dầu đã giảm trong ba tháng liên tiếp vừa qua, sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều năm vào tháng Ba năm nay, do lo ngại rằng việc tăng lãi suất và các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở một số khu vực của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tại cuộc họp diễn ra vào cuối ngày 5/9, OPEC+ có thể quyết định giữ mức sản lượng hiện tại hoặc thậm chí cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu, mặc dù nguồn cung vẫn khá khan hiếm.
Nga không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng dầu vào thời điểm này và có khả năng OPEC+ sẽ giữ sản lượng ổn định khi nhóm họp vào ngày 5/9.
Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu còn lại đều giảm giá. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 21 mã giảm giá, tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số VN-Index.  Ở chiều tăng giá, ngoài HPG thuộc ngành thép, đáng chú ý có VNM tăng 2,8%, BVH tăng 1,9%, MSN tăng 0,9%, VIC tăng 0,5%, SAB tăng 0,1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực, trong tổng số 27 mã cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng giá là ABB, NVB, PGB giữ được sắc xanh, trong khi có tới 18 mã giảm giá. Cùng đó, các mã cổ phiếu chứng khoán cũng giảm mạnh. Cụ thể, các mã trụ cột ngành chứng khoán như SSI, SHS, VND, VDS, BVS... đều ở chiều giảm giá. Đáng chú ý, cổ phiếu ART thuộc họ cổ phiếu FLC giảm kịch sàn.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu FLC, AMD thuộc họ FLC cũng giảm sàn. Một vài mã cổ phiếu có mức tăng kịch trần như: HD2, HD6, HD8, HLD. Các mã cổ phiếu này đã có chuỗi tăng liên tiếp trong những phiên gần đây.
Khối ngoại phiên hôm nay bán ròng mạnh, tạo thêm áp lực giảm điểm lên thị trường. Khối ngoại bán ròng hơn 402 tỷ đồng trên HOSE và 4,26 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 38 tỷ đồng trên HNX.
Chốt phiên giao dịch 5/9, VN-Index giảm 3,16 điểm xuống 1.277,35 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 524,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 13.402 tỷ đồng. Toàn sàn có 168 mã tăng giá, 283 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.
HNX- Index tăng nhẹ 0,9 điểm lên 292,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 69 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.431 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,66 điểm xuống 91,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 30,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 556 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 147 mã giảm giá và 69 mã đứng giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục