Chứng khoán Phố Wall ghi dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp

10:59' - 10/04/2021
BNEWS Chứng khoán Phố Wall đồng loạt tăng trong phiên 9/4, với chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới và khép lại tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp.

Chứng khoán Phố Wall đã khép lại tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp khi nhà đầu tư chuẩn bị cho mùa báo cáo thu nhập hàng quý bắt đầu vào tuần tới.

Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 297,03 điểm (tương đương 0,89%) lên 33.800,6 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,63 điểm (0,77%) lên 4.128,8 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 70,88 điểm (0,51%) lên 13.900,19.

Nhiều nhà đầu tư từng lo ngại lạm phát sẽ phi mã khi việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi sau giai đoạn đóng cửa.

Báo cáo mới nhất đưa ra cùng ngày cho thấy giá sản xuất của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 3/2021, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong 9 năm rưỡi qua cũng làm dấy lên những nỗi lo này.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tỏ ra không chịu nhiều tác động tiêu cực. Vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn khẳng định rằng sẽ cho phép lạm phát vượt quá ngưỡng mục tiêu.

Ông Ken Polcari, đối tác quản lý của Kace Capital Advisors, cho biết Chủ tịch Fed Jerome Powell trong những tuần qua phải tập trung đảm bảo rằng ngân hàng trung ương đã sẵn sàng đối mặt với khả năng lạm phát leo thang.

Đó là lý do tại sao thị trường không lao dốc, bởi vì ông Powell đã thành công trong việc xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư và khiến thị trường không còn quá quan ngại về viễn cảnh đó.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ chứng khoán trong thời gian gần đây là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rời khỏi mức cao nhất trong 14 tháng vào cuối tháng 3/2021.

Nhìn chung, chứng khoán Phố Wall đã có một tuần nhiều thăng hơn trầm.

Mở đầu tuần mới trong phiên 5/4, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục, giữa bối cảnh số liệu khả quan về tình hình kinh tế củng cố tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về đà phục hồi kinh tế. Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 1,13% trong khi S&P 500 tăng 1,44% còn Nasdaq Composite tiến tới 1,67%.

Sau khi xác lập nhiều kỷ lục trong phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã khép phiên 6/4 với mức giảm nhẹ sau một phiên giao dịch đầy biến động, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ được đẩy nhanh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% trong khi S&P 500 và Nasdaq đều giảm nhẹ 0,1%.

Sang phiên 7/4, các chỉ số chính trên Phố Wall giao dịch gần mức sàn trong hầu hết thời gian, tuy chỉ số tổng hợp S&P 500 đã bật tăng lên mức cao kỷ lục mới. Tại New York, Dow Jones nhích 0,1% trong khi S&P 500 tăng 0,2%. Ngược lại, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,1%.

Yếu tố chính chi phối phiên này là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tích cực kêu gọi Quốc hội thông qua gói đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Ngoài ra, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách coi lạm phát là ổn định, ngay cả khi "một số" ngân hàng trung ương lo ngại rằng nhu cầu mạnh "có thể đẩy lạm phát giá cả lên nhiều hơn dự đoán".

Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 8/4 lên điểm, nhờ giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ tăng mạnh. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 0,17% và 0,42%, trong khi Nasdaq Composite ghi thêm khoảng 1,03%.

Sáu trong 11 lĩnh vực chủ chốt của chỉ số S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh, trong đó lĩnh vực công nghệ tăng mạnh nhất với 1,42%. Lĩnh vực năng lượng giảm mạnh nhất với 1,36%.

Với mức tăng khá ổn trong phiên 9/4, chứng khoán Phố Wall đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp. Tính chung trên cả tuần, chỉ số S&P tiến 2,71%, Dow Jones tăng 1,96% và Nasdaq tăng 3,12%.

Sự chú ý của nhà đầu tư đang đổ dồn vào mùa báo cáo kinh doanh bắt đầu vào tuần tới, với các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan và Wells Fargo sẽ “mở hàng” vào thứ Tư (14/4 theo giờ địa phương).

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Refinitiv, giới phân tích kỳ vọng lợi nhuận quý I/2021 của các công ty thuộc nhóm S&P 500 sẽ tăng 25% so với một năm trước. Đó sẽ là mức tăng mạnh nhất theo quý kể từ năm 2018 tới nay, khi chính sách cắt giảm thuế dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng đột biến.

Các báo cáo đầu quý hầu hết đều rất tốt. Giới phân tích nhận định đây là chỉ dấu lạc quan cho phần còn lại của mùa báo cáo, thậm chí có thể là dấu hiệu cho thấy kết quả kinh doanh có khả năng vượt quá kỳ vọng vốn đã rất cao của thị trường.

Một dấu hiệu tích cực khác là các ước tính nhìn chung đều được điều chỉnh tăng trong giai đoạn tiến vào mùa báo cáo kinh doanh, thay vì giảm do các công ty đưa ra triển vọng thận trọng.

Điều này được thể hiện qua việc vào đầu tháng Ba, khảo sát của Refinitiv dự kiến tăng trưởng thu nhập quý I của nhóm doanh nghiệp có cổ phiếu cấu thành chỉ số S&P 500 là 22% - thấp hơn đáng kể so với mức ước tính gần nhất nêu trên.

Trong cả năm 2021, tăng trưởng thu nhập của S&P 500 dự kiến đạt 26,5% và đảo chiều so với mức giảm 12,6% của năm ngoái.

Tuy nhiên, vẫn có một số người lo ngại rằng giới đầu tư sẽ thất vọng vì kỳ vọng quá cao. Kịch bản này có thể đẩy thị trường đi xuống sau đợt tăng kéo dài nhiều tháng do nhóm cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế (bao gồm năng lượng và tài chính) dẫn đầu.

Một rủi ro khác đối với thu nhập trong tương lai là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại. Theo ước tính của ngân hàng UBS, mức thuế doanh nghiệp 28% sẽ làm giảm 7,4% thu nhập trên mỗi cổ phiếu của các công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục