Chứng khoán Phố Wall khép lại tuần giao dịch nhiều biến động với mức giảm gần 1%

13:18' - 20/03/2021
BNEWS Chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều trong phiên cuối tuần 19/3, giữa lúc thị trường cân nhắc những rủi ro liên quan tới lợi suất trái phiếu.
Cổ phiếu công nghệ thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lợi suất trái phiếu gia tăng trong thời gian qua - chủ yếu được thúc đẩy bởi lo ngại về lạm phát. Nhưng giới đầu tư đã mua vào các cổ phiếu công nghệ rẻ hơn trong phiên 19/3, qua đó đưa chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,8% và đóng cửa ở mức 13.215,24 điểm.

Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones lại giảm 0,7% xuống 32.627,97 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng để mất 0,1% và khép phiên ở mức 3.913,10 điểm.

Cũng trong phiên này, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ dao động gần mức cao nhất trong 14 tháng là 1,742%. Lợi suất đã tăng mạnh trong bảy tuần qua nhờ kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ.

Nhìn chung, Phố Wall đã có một tuần giao dịch khá biến động với các phiên tăng giảm đan xen.

Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ đã khép phiên đầu tuần 15/3 ở các mức cao kỷ lục, giữa lúc giới đầu tư đang dõi theo đà phục hồi kinh tế sau đại dịch và đón đợi các manh mối từ Fed trong tuần này. Đáng chú ý là chỉ số Dow Jones tăng 0,53% và khép phiên ở mức 32.953,46 điểm, đánh dấu phiên thứ sáu liên tiếp chỉ số này đóng phiên ở mức cao kỷ lục.

Sang phiên 16/3, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi các nhà đầu tư chờ đợi thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Phiên này chỉ số Dow Jones giảm 0,39% và chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,16%. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại tăng nhẹ 0,09%.

Thị trường chứng khoán Phố Wall đã phục hồi khá tốt trong phiên 17/3, sau khi Fed nâng triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho biết chính sách nới lỏng tiền tệ của họ sẽ không sớm kết thúc.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày 16-17/3 của Fed, hầu hết các quan chức của cơ quan này cho biết họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu quyết định duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

Nhưng đà tăng trên đã không kéo dài. Việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trong phiên 18/3 đã đẩy chứng khoán giảm khá sâu. chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,5% trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 3%. Chỉ số Dow Jones cũng lùi 0,5%.

Tính chung trên cả tuần, chỉ số Nasaq và S&P 500 đều để mất 0,8% còn chỉ số Dow Jones giảm 0,5%.

Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong thời gian gần đây với tâm lý lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhờ sự hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ kéo theo lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất do chi nhánh Fed tại Philadelphia công bố đã tăng gấp đôi kể từ tháng Hai vừa qua, giúp đẩy giá lên cao và thuyết phục các nhà đầu tư rằng lạm phát có thể sắp cân kề.

Tuy nhiên, các chiến lược gia của Bank of America đã tỏ ra lạc quan hơn. Trong một báo cáo mới nhất, họ viết rằng thị trường chứng khoán vẫn nhận được hỗ trợ từ ba trụ cột của thị trường thế tăng khá vững chắc. Chúng bao gồm thanh khoản tự do khổng lồ, chu kỳ tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (ESP) đặc biệt mạnh mẽ và độ rộng của thị trường khá đáng kể.

Các chuyên gia thuộc Bank of America gợi ý rằng giới đầu tư có thể hưởng lợi bằng cách nghiêng về cả cổ phiếu chu kỳ và cổ phiếu giá trị - vốn đều ghi nhận mức tăng khá tốt hơn trong vài tháng qua. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần có cái nhìn mới về cổ phiếu công nghệ sau đợt bán tháo do lợi suất trái phiếu đi lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục