Chứng khoán sáng 13/9: Nhiều cổ phiếu ngành hàng không tiếp tục dậy sóng

13:02' - 13/09/2021
BNEWS Trong khi thị trường chung diễn biến không mấy tích cực, phần lớn thời gian giao dịch chỉ số VN-Index trồi sụt quanh mốc tham chiếu thì nhiều cổ phiếu ngành hàng không tiếp tục tăng mạnh.
Theo đó, HVN tăng 7% lên mức giá trần 26.800 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức mức giá đóng cửa cao nhất mà HVN đạt được kể từ đầu năm 2020. HVN đã tăng trong cả tuần trước (từ 6-10/9)

Bên cạnh cổ phiếu HVN, một loạt mã cổ phiếu ngành hàng không như: SGN tăng 0,4%, AST tăng 0,5%, VTR tăng 2,6%, SAS tăng 4,8%...

Tuy nhiên vẫn còn 2 mã lớn trong nhóm hàng không giảm giá nhẹ là ACV giảm 0,9% và VJC giảm 0,4%. Thực tế, tuần trước ACV và VJC đều đã có mức tăng mạnh.

Đà tăng của nhóm cổ phiếu hàng không được lý giải là do ngành này đang nhận được những thông tin hỗ trợ tích cực. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến cho hàng khách xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và tiêm đủ 2 mũi vaccine được bay một số chặng nội địa.

Trước đó, chiều 4/9, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày. Các công dân trên chuyến bay phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn lúc 13 giờ 30 phút.

Đây là chuyến bay đầu tiên áp dụng thí điểm chương trình cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế, toàn bộ hành khách trên chuyến bay cần đáp ứng đủ 2 điều kiện vừa phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh); đồng thời phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận.

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc nhà đầu tư kỳ vọng vào nới lỏng giãn cách xã hội đã giúp các cổ phiếu ngành hàng không hưởng lợi.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu hàng không, nhóm dầu khí tràn ngập sắc xanh, trở thành trợ lực cho thị trường. Cụ thể, BSR, OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS đều có mức tăng mạnh.

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tăng giá là yếu tố quan trọng đóng góp cho đà tăng của chỉ số. Theo đó, VIC tăng 1,8%, VRE tăng 0,5% và VHM tăng 0,1%.

Ngoài ra, các mã cổ phiếu ngành thực phẩm- đồ uống cũng bứt tốc. Cụ thể, SAB tăng tới 6,8%, MSN tăng 1,1%, VNM tăng 0,8%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán, ngân hàng… chìm trong sắc đỏ là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của chỉ số.

Cuối phiên sáng 13/9, VN-Index tăng 3,04 điểm lên 1.348,35 điểm, HNX-Index tăng 2,45 điểm lên 352,5 điểm, UPCoM-Index giảm 0,27 điểm còn 95,14 điểm. Toàn thị trường ghi nhận 470 mã tăng, 432 mã giảm và 136 mã đứng giá tham chiếu.

Dù thị trường diễn biến giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch phiên sáng nay, nhưng dòng tiền đã cải thiện hơn so với mặt bằng các phiên trước đó. Cụ thể, khối lượng giao dịch khoảng 598,1 triệu đơn vị, tương ứng 15.201 tỷ đồng, tăng 9,2% so với phiên thứ sáu tuần trước; trong đó, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt 11.404 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán thế giới, cụ thể là tại châu Á, trong phiên giao dịch sáng 13/9, các thị trường đồng loạt đi xuống.

Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo mở cửa giảm 0,13% xuống 30.341,59 điểm, giữa bối cảnh các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời sau các đợt phục hồi gần đây. Bên cạnh đó, đà giảm trên Phố Wall cũng ảnh hưởng tới thị trường.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,1% xuống 3.699,25 điểm, còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,22% xuống 25.885,30 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục