Chứng khoán toàn cầu sụt giảm trước số liệu kinh tế ảm đạm từ Mỹ

08:27' - 02/10/2019
BNEWS Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy chỉ số hoạt động chế tạo trong tháng Chín của Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Các thị trường chứng khoán ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều đi xuống trong phiên ngày 1/10 theo sau khảo sát cho thấy lĩnh vực chế tạo của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Bên cạnh đó, số liệu lạm phát ảm đạm từ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sụt giảm trong quý II/2019 đã làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.

Trong ảnh: Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN 

Khép phiên này, tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3% xuống 26.573,04 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1,2% xuống 2.940,25 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,1% xuống 7.908,68 điểm. 

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở London (Anh) giảm 0,7% xuống 7.360,32 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) giảm 1,3% xuống 12.263,83 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) để mất 1,4% xuống 5.597,63 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,4% xuống 3.518,25 điểm. 

Báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy chỉ số hoạt động chế tạo trong tháng Chín của Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong đó nêu rõ xung đột thương mại là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này. Cụ thể, chỉ số hoạt động chế tạo của Mỹ đã giảm xuống 47,8, so với mức 49,1 của tháng trước đó. Chỉ số sản xuất ở dưới ngưỡng 50 là dấu hiệu của sự sụt giảm.

Báo cáo trên được đưa ra giữa bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/10 hạ dự báo tăng trưởng thương mại năm 2019 xuống 1,2%, đồng thời cảnh báo con số này còn có thể xuống thấp hơn nữa nếu căng thẳng thương mại leo thang, tăng trường kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận.  

Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố quan trọng để đoán định thị trường trong giai đoạn tới. Ngoài ra còn có các yếu tố xúc tác khác như báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý III và cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mà theo dự đoán lãi suất có thể sẽ hạ thấp hơn nữa.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/10, VN - Index tăng 3,03 điểm lên 999,59 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng giá, 54 mã đứng giá và 150 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt trên 210,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.732,5 tỷ đồng.

HNX  - Index tăng nhẹ 0,8 điểm lên 105,85 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng giá, 56 mã đứng giá và 70 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt gần 33 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 452 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính giúp chỉ số VN – Index tiến sát đến mốc 1.000 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục