Chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh khi niềm tin về kinh tế "hao hụt"

16:29' - 08/10/2024
BNEWS Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất đà tăng sau khi niềm tin của nhà đầu tư vào các kế hoạch định kích thích kinh tế của chính phủ sụt giảm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng tốc trở lại sau một tuần nghỉ lễ. Chỉ trong vài phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 8/10, các chỉ số chứng khoán đã liên tiếp đạt đỉnh của hai năm, nhưng mất đà ngay sau đó, khi niềm tin của nhà đầu tư vào các kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ sụt giảm.

Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) đóng cửa tăng 4,59%, lên mức 3.489,78 điểm, trong khi chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc tăng 10% lên mức mạnh nhất kể từ tháng 7/2022.

Ngược lại, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), giảm mạnh 8,36%, xuống còn 21.167,79 điểm. Trong các phiên giao dịch trước, chỉ số Hang Seng đã ghi nhận một đợt tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1975, đưa sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong trở thành thị trường lớn có hiệu suất hoạt động cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

 
Sự biến động giá cổ phiếu của Trung Quốc diễn ra sau khi Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) Trịnh Sách Khiết cung cấp rất ít thông tin chi tiết về các kế hoạch triển khai thêm những biện pháp hỗ trợ kinh tế tại cuộc họp báo ngày 8/10.

Ông cho biết Trung Quốc "hoàn toàn tự tin" sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2024 và sẽ trích 200 tỷ nhân dân tệ (28,37 tỷ USD) từ ngân sách năm 2025 để chi cho các dự án đầu tư và hỗ trợ chính quyền địa phương. Nhưng nhà lãnh đạo NDRC lại không nêu chi tiết các biện pháp kích thích mới có thể được thực hiện. Điều này đã làm các nhà đầu tư thất vọng, đặc biệt là những người hy vọng có thêm thông tin cụ thể về các biện pháp tài khóa để kích thích nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Nỗi lo về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông cũng làm giảm tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư sau khi lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn bắn tên lửa vào Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel ngày 7/10 và Israel có vẻ như đã sẵn sàng mở rộng hành động quân sự nhắm vào Liban, có khả năng khiến xung đột lan rộng trong khu vực.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chứng kiến một phiên giao dịch “tuột dốc”, để mất 1%, xuống còn 38.937,54 điểm. Trong phiên giao dịch ngày 7/10, chỉ số này đã có phiên tăng điểm ấn tượng, nhờ dự báo lợi nhuận của các ngân hàng và các công ty tài chính được cải thiện và đồng yen suy yếu.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ, dự kiến được công bố vào trong tuần này, bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ được các nhà giao dịch theo dõi chặt chẽ, với hy vọng sẽ có thêm thông tin về quyết sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đồng USD bám sát mức cao nhất trong 7 tuần gần đây, sau báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ phát hành vào tuần trước làm tan biến kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11 tới.

Tại Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, chỉ số VN-Index tăng 2,05 điểm (0,165%), lên 1.271,98 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,94 điểm (0,4%), xuống 231,52 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục