Chứng khoán tuần tới có thể giằng co, chờ thông tin hỗ trợ

13:41' - 16/06/2019
BNEWS BVSC cho rằng, có thể chỉ số VN - Index tuần tới vẫn còn nhịp giảm về vùng hỗ trợ từ 930 - 940 điểm, trước khi có phản ứng hồi phục một cách rõ nét hơn.
Chứng khoán tuần tới có thể giằng co. Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch ảm đạm. Giới phân tích cho rằng, sức mạnh nội tại của thị trường hiện khá yếu nên nhịp giảm của thị trường có thể chưa kết thúc và nếu có những nhịp tăng thì vẫn chỉ là hồi phục mang tính kỹ thuật, nhưng có lẽ kịch bản thị trường giảm mạnh khó xảy ra.

Kết thúc tuần giao dịch từ 10 – 14/6, VN - Index giảm 4,67 điểm xuống 953,61 điểm; HNX - Index giảm 0,747 điểm xuống 103,46 điểm. Đây là tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp đối với chỉ số VN – Index và cũng là tuần giảm thứ bảy đối với HNX – Index.

Bên cạnh việc giảm điểm thì thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 3.600 tỷ đồng giao dịch/phiên trên cả hai sàn.

Lý giải nguyên nhân dòng tiền vào thị trường yếu, Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam - BSC cho rằng, thị trường phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp do tâm lý nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi những tín hiệu hỗ trợ thị trường trong nửa cuối tháng 6.

Cùng với đó, kỳ vọng của thị trường vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố kế hoạch hạ lãi suất; cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) về vấn đề thương mại cũng như cuộc họp về sản lượng khai thác dầu mỏ cho nửa cuối năm 2019 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đầu tháng 7 tới.

Thực tế cho thấy, tuần qua thị trường chưa có thông tin hỗ trợ tích cực để có thể bật tăng. Trong khi đó, diễn biến của thị trường thế giới rất khó đoán định.

Cụ thể, chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần giao dịch đầy biến động vì diễn biến bất ngờ của các tranh chấp thương mại và những dự báo về động thái điều chỉnh lãi suất của Fed.

Phiên cuối tuần qua, đà tăng của chứng khoán Mỹ đã không kéo dài sang phiên ngày thứ Sáu (14/6) giữa lúc các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của Fed vào tuần tới, trong khi nhà sản xuất chất bán dẫn Broadcom cảnh cáo nhu cầu chip toàn cầu suy yếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,07% (17,16 điểm) xuống 26.089,61 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,16% (4,66 điểm) xuống 2.886,98 điểm và đặc biệt chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm mạnh nhất với mức giảm 0,52% (40,47 điểm) xuống mức 7.796,66 điểm.

Dù vậy, đây vẫn có thể coi là một tuần giao dịch tương đối thành công đối với phố Wall khi cả ba chỉ số chính đều tăng điểm. Theo đó, kết thúc tuần giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, chỉ số S&P 500 tăng 0,5% và chỉ số Nasdaq ghi thêm 0,7%.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ chưa có xu thế rõ ràng khi các phiên tăng, giảm đan xen. Vì vậy, ảnh hưởng của thị trường chứng khoán Mỹ tới thị trường chứng khoán Việt Nam tuần tới cũng chưa rõ nét. Có lẽ những diễn biến nội tại của thị trường đang ảnh hưởng mạnh nhất đến xu thế tăng, giảm của các chỉ số.

Hiện tại, những nhóm cổ phiếu, mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn lên thị trường đang cho thấy xu hướng giảm hoặc đi ngang chiếm ưu thế.

Tuần qua, giá dầu thế giới giảm ảnh hưởng tiêu cực lên các mã cổ phiếu dầu khí. Theo đó, các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm dầu khí đều ở chiều giảm giá như: PLX giảm 1,6%, GAS (0,9%), PVD (4%), PVS (3,5%), POW (,8%), BSR (3%)...

Giá dầu trong cả tuần qua giảm do giới đầu tư lo ngại các bất đồng thương mại sẽ làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã sụt giảm 2.7% trong tuần qua, trong khi giá dầu Brent cũng giảm 2%.

Với diễn biến nội tại của nhóm cổ phiếu dầu khí cùng với các yếu tố đang tác động lên nhóm cổ phiếu này nên xu hướng giảm có lẽ vẫn chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tuần qua, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng cũng giảm sâu như: VNM giảm 2,3%, MSN (2,1%), SAB (1,2%) ... Những mã cổ phiếu này có vai trò giữ nhịp thị trường, nhưng thanh khoản rất yếu và động lực tăng giá không còn nhiều.

Cùng với đó, mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC giảm 1,3%, trong khi mã cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai thị trường là VHM cũng giảm 2,7%. Một cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành bất động sản là VRE lại có diễn biến đi ngang. Các mã vốn hóa lớn khác như: VJC giảm nhẹ 0,3%, NVL (2,1%), FPT (2,7%)... Như vậy, các mã vốn hóa lớn hầu hết đang có xu thế giảm giá, một số mã có dấu hiệu đi ngang tích lũy.

Ở chiều ngược lại, tuần qua nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh với các mã trụ cột như: VCB tăng tới 5,5%, BID (1,4%), VPB (3,6%), MBB (0,7%)..., góp phần nâng đỡ và giúp thị trường chỉ giảm nhẹ.

Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của nhóm này có lẽ khó duy trì trong tuần tới và nhiều khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến giao dịch giằng co, tích lũy.

Điểm tích cực nhất của thị trường hiện nay là việc khối ngoại vẫn duy trì mua ròng. Cụ thể, tuần qua tính trên toàn thị trường khối ngoại mua ròng 16 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 308 tỷ đồng.

Đánh giá về diễn biến thị trường trong tuần tới, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN - Index tiếp tục có sự hồi phục và hướng đến thử thách vùng kháng cự từ 959 - 963 điểm trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, đây là vùng kháng cự có khả năng tạo áp lực giảm điểm trở lại đối với chỉ số.

BVSC cho rằng, có thể chỉ số VN - Index vẫn còn nhịp giảm về vùng hỗ trợ từ 930 - 940 điểm, trước khi có phản ứng hồi phục một cách rõ nét hơn.

Trong khi đó, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nhận định, thị trường chứng khoán tuần tới có khả năng tiếp tục rung lắc mạnh do có đợt cơ cấu danh mục ETF (quỹ chỉ số) trong quý II. Tuy nhiên, nếu đáy tháng 5 của VN - Index vẫn được giữ vững thì các nhịp rung lắc trong vùng từ 938 - 950 điểm sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục và tạo vị thế mua mới./.

>>> Chứng khoán Mỹ vẫn đi lên trong tuần qua dù chỉ có hai phiên tăng điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục