Chứng khoán tuần tới: Kỳ vọng "sóng tăng"

12:31' - 03/05/2020
BNEWS Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt nhận định, các chỉ số biến động trong biên độ hẹp. Hiện tượng phân hóa tiếp tục diễn ra và dòng tiền có phần nghiêng về các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới, các công ty chứng khoán đều có quan điểm khá thận trọng, nhưng vẫn kỳ vọng xu hướng mới của thị trường được hình thành; trong đó, nghiêng về kịch bản "sóng tăng"sẽ bắt đầu sau kỳ nghỉ lễ.

* Chờ đợi động lực tăng trưởng mới

Công ty cổ phần chứng khoán MB – MBS cho rằng, phiên tăng nhẹ trước kỳ nghỉ lễ sẽ mang lại tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Về kỹ thuật, thị trường đã có 7 phiên liên tiếp duy trì xu hướng tích lũy trên ngưỡng 761,75 điểm cùng sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu, đầu tư công… tiếp tục là động lực để thị trường đón "sóng tăng".

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ ngày 4 - 8/5), VN - Index có thể tiếp tục giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 760 - 785 điểm, trước khi bứt phá khỏi vùng này để tạo xu hướng mới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, các chỉ số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản vừa phải. Hiện tượng phân hóa tiếp tục diễn ra và dòng tiền có phần nghiêng về các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Xu hướng hiện tại đang khá cân bằng, nhưng có thể sớm bị phá vỡ sau kỳ nghỉ lễ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) vẫn giữ quan điểm thận trọng khi cho rằng, các chỉ số biến động thu hẹp dần, nhiều cổ phiếu tăng giá tốt trong giai đoạn vừa qua đang tiệm cận vùng cản. Việc chọn lọc cổ phiếu ngắn hạn càng lúc càng khó khăn hơn cho nhà đầu tư.

Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi giai đoạn này khi nhiều cổ phiếu tăng tốt giai đoạn vừa qua đang tiệm cận vùng cản. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để mua vào các cổ phiếu có kết quả kinh quanh khả quan. 

Thực tế cho thấy, nhìn lại diễn biến giao dịch tuần qua, nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn có sự suy yếu. Đơn cử như nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VIC giảm 1,2%, VHM giảm 2,1%, VRE giảm 3,8%.

Các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm thực phẩm - đồ uống như: VNM giảm 3,7%, SAB giảm 9,7%, MSN giảm 1,1%.... Cổ phiếu đầu ngành thép là HPG giảm 2,7%, cổ phiếu ngành bảo hiểm là BVH giảm 1,8%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ với GAS giảm 2,6%, PLX giảm 2,5%, PVD giảm 2,3%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có CTG tăng 4,3%, ACB tăng 1%, TCB tăng 0,6%... Trong khi đó, VCB giảm 1,2%, BID giảm 1,1%, MBB giảm 0,7%, TPB giảm 1,7%...

Kết thúc tuần giao dịch qua (từ ngày 27 – 29/4), VN - Index giảm 0,97% xuống 769,11 điểm; HNX - Index giảm 0,12% xuống 106,84 điểm.

Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn giảm trong tuần qua. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 222 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 15,53% so với tuần giao dịch trước. Tại sàn HNX, khối lượng khớp lệnh đạt trung bình hơn 42 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 25,2%.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 1.281 tỷ đồng trên cả hai sàn. Theo đó, khối ngoại bán ròng hơn 1.248 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 32 tỷ đồng trên sàn HNX.

Thực tế do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải hoãn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông và hoãn việc công bố tài liệu Đại hội khiến giới đầu tư chưa có thông tin để ra quyết định giải ngân. Điều này cũng lý giải diễn biến “lình xình”, tích lũy của thị trường chứng khoán giai đoạn trước nghỉ lễ.

Khác với mọi năm, đầu tháng 5/2020, các doanh nghiệp sẽ công bố tài liệu Đại hội và những thông tin chốt quyền cổ tức cho cổ đông. Ðây có thể là thông tin thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và giúp thị trường sôi động trở lại.

Mặc dù các doanh nghiệp có thể cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất, nhưng hiệu ứng tích cực từ việc nối lại hoạt động sản xuất - kinh doanh sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội cùng những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đối với doanh nghiệp và việc đẩy mạnh đầu tư công có thể sẽ là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu tháng 5.

* Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong phiên cuối tuần qua (ngày 30/4) theo sau các số liệu cho thấy dịch COVID-19 đã thực sự tác động lên nền kinh tế thế giới.

Trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2% xuống 24.345,72 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,9% xuống 2.912,43 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 8.889,55 điểm, sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 3,8 triệu đơn trong tuần trước, đưa tổng số đơn xin trợ cấp trong sáu tuần lên mức trên 30 triệu đơn.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nền kinh tế Liên minh châu Âu (châu Âu) ghi nhận mức giảm 3,5% trong quý I/2020, chỉ dấu lớn đầu tiên cho thấy tác động của dịch COVID-19 lên khối này. Riêng tại Đức - nền kinh tế đầu tàu châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt lên 13,2% trong tháng 4/2020.

Cũng trong ngày 30/4, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết sẵn sàng khởi động lại các biện pháp như mua thêm trái phiếu nhằm giúp làm dịu tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn chưa được tiến hành khiến nhiều người nghi ngờ cam kết của các nhà hoạch định chính sách về việc đảm bảo cú sốc kinh tế lớn mà khu vực này đang trải qua sẽ không biến thành một cuộc khủng hoảng nợ công mới.

Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 3,5% xuống 5.901,21 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt hạ 2,2% xuống 10.861,64 điểm, còn chỉ số CAC 40 giảm 2,1% xuống 4.572,18 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 2,3% xuống 2.927,93 điểm.

Nối gót đà giảm trên Phố Wall, chứng khoán Tokyo mở cửa phiên sáng ngày 1/5 trong sắc đỏ với chỉ số Nikkei 225 giảm 1,39% xuống 19.913,25 điểm.

Trong khi đó, các thị trường tài chính tại Trung Quốc, Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục