Chứng khoán tuần tới sẽ bị chi phối bởi biên bản họp của Fed

13:16' - 02/04/2016
BNEWS Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận bốn phiên tăng điểm trong năm nhờ hưởng lợi từ phát biểu của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ và số liệu khả quan từ nền kinh tế đầu tàu thế giới này.
Chứng khoán tuần tới bị chi phối bởi biên bản họp của Fed. Ảnh minh họa: Reuters

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận bốn phiên tăng điểm trong năm nhờ hưởng lợi từ phát biểu của Chủ tịch Fed về chính sách tiền tệ  và số liệu khả quan từ nền kinh tế đầu tàu thế giới này.

Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc xanh trong ba phiên đầu tuần này trong bối cảnh nhà đầu tư phản ứng tích cực với quan điểm thận trọng của Chủ tịch Fed Janet Yellen về triển vọng kinh tế Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed. Theo bà Yellen, kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ diễn ra "chậm và từ từ" trong những năm tới, và đợt nâng lãi suất tiếp theo sẽ không thể diễn ra trước tháng Sáu năm nay.

Bà Yellen cũng đề cập đến hai rủi ro là tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trong khi nước này đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng; và triển vọng không mấy tích cực của thị trường hàng hóa, nhất là giá dầu, vẫn "phủ bóng đen" lên nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù giảm điểm nhẹ trong phiên ngày 31/3 khi tác động từ Fed mất dần, nhưng đến phiên cuối tuần (1/4), cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt trên Phố Wall đều “lội ngược dòng” sau khi thị trường đón nhận báo cáo việc làm và số liệu ngành chế tạo đáng khích lệ của Mỹ.

Cụ thể, khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6% lên 17.792,75 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến thêm 0,9% lên 4.914,54 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,5%, lên 2.072,78 điểm.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này tạo thêm 215.000 việc làm trong tháng Ba, kết quả tốt hơn dự kiến, đồng thời mức lương theo giờ cũng ghi nhận sự cải thiện khiêm tốn.

Báo cáo công bố cùng ngày của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) của Mỹ cho hay Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của nước này đã tăng 2,3 điểm phần trăm lên 51,8 (điểm) trong tháng Ba. Chỉ số này đã vượt ngưỡng 50 (điểm) – ranh giới phân định chiều hướng tăng trưởng (từ 50 trở lên) và thu hẹp hoạt động (dưới 50).

Theo ông Jim O'Sullivan, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics (Mỹ), những số liệu trên sẽ làm vơi bớt nỗi quan ngại rằng diễn biến trên thị trường tài chính và các kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm đáng kể nhịp độ tăng trưởng của Mỹ.

Còn giám đốc điều hành mảng giao dịch chứng khoán của Wedbush Securities, ông Michael James cho rằng trong bối cảnh cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán khắp thế giới dần mất sức hút, Phố Wall vẫn duy trì là một điểm đầu tư khá hấp dẫn.

Thị trường chứng khoán (TTCK) tuần tới sẽ tập trung sự chú ý vào biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba của Fed, công bố ngày 6/4, để tìm kiếm những quan điểm rõ ràng hơn của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về lộ trình tăng lãi suất.

Hầu hết giới quan sát tại Phố Wall dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng Sáu, sau khi bà Yellen nói không ủng hộ việc tăng lãi suất trừ một số số liệu, trong đó có lạm phát, cải thiện đáng kể. Nếu có nhiều quan chức Fed có cùng quan điểm với bà Yellen, giá cổ phiếu sẽ đồng loạt đi lên, đồng thời các thị trường giao dịch hàng hóa như vàng, năng lượng và nguyên liệu cũng sẽ “vui lây”.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng thị trường chứng khoán sẽ “lao đao” nếu biên bản họp của Fed thể hiện lập trường nghiêng về việc đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất, với cổ phiếu của nhóm ngành ngân hàng và công ty giao dịch tài chính sẽ là lĩnh vực duy nhất được hưởng lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục