Chứng khoán tuần từ 18 – 22/6: Liệu có tiếp tục xu hướng giảm ngắn hạn?

11:15' - 17/06/2018
BNEWS Thị trường giảm mạnh, đi kèm với việc thanh khoản tiếp tục suy giảm so với tuần giao dịch trước đó, chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Thị trường giảm mạnh, đi kèm với việc thanh khoản tiếp tục suy giảm so với tuần giao dịch trước đó. Ảnh: TTXVN

Giằng co, rung lắc mạnh, thanh khoản sụt giảm và khối ngoại bán ròng rất mạnh là diễn biến chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ ngày 11 – 15/6).

Giới phân tích cho rằng, những diễn biến của thị trường hiện tại cùng các thông tin không tích cực trên thị trường thế giới có thể khiến xu hướng giảm của thị trường còn tiếp diễn.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 11 – 15/6, VN - Index giảm 22,5 điểm xuống 1.016,51 điểm; HNX - Index giảm 3,96 điểm xuống 115,9 điểm.

Thị trường giảm mạnh, đi kèm với việc thanh khoản tiếp tục suy giảm so với tuần giao dịch trước đó, chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 1,6% xuống 26.644 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,2% xuống 840 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 11,4% xuống 3.395 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 20,2% xuống 208 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu trụ cột đồng loạt giảm giá như: VIC giảm 0,6%, VHM giảm 2,9%, MSN giảm 1,2%, BVH giảm 10,8%, HPG giảm 1,8%, HSG giảm 0,4%, SAB giảm 4,2%, NVL giảm 1,9%, VJC 3,4%...

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động lớn nhất trên thị trường chứng khoán và cũng thường diễn biến theo chỉ số chung. Khi thị trường tăng mạnh thì không thể thiếu được nhân tố chính là nhóm vốn hóa lớn. Nhưng tuần tới có lẽ nhóm vốn hóa lớn có khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm do thị trường chung đang chịu tác động của những thông tin không tích cực.

Thực tế cho thấy, trong tuần tới chưa có nhiều yếu tố tác động tích cực đến thị trường, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đón nhận thông tin không tích cực từ thị trường thế giới. Cụ thể là Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng của Trung Quốc với tổng trị giá 50 tỷ USD bị áp mức thuế 25% do vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa.

Ít phút sau thông báo trên của Tổng thống Mỹ, Trung Quốc cho biết sẽ lập tức đáp trả với mức thuế tương đương để bảo vệ nền kinh tế. Trên website chính thức của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: "Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng không có lựa chọn nào khác và buộc phải kịch liệt phản đối vì cách hành xử của Mỹ gây tổn hại cho cả hai nước."

Động thái này có thể đẩy quan hệ thương mại vốn đang căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang mới và khiến tâm lý quan ngại của giới đầu tư quay trở lại.

Những thông tin từ tình hình thế giới có thể có những tác động nhất định đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rút ròng hàng nghìn tỷ đồng khiến các nhà đầu tư trong nước “bối rối”, từ đó tâm lý “e dè” tăng cao và làm cho dòng tiền chảy vào thị trường ngày càng sụt giảm.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.570 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 1.454 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 116,5 tỷ đồng. Động thái bán ròng của khối ngoại gia tăng mạnh về cuối tuần khi các quỹ ETFs tập trung tái cơ cấu danh mục và bán ròng mạnh ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Không chỉ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá mạnh, các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán cũng đồng loạt giảm giá.

Cụ thể, tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm giá như: VCB giảm 1,2%, BID giảm 7,9%, CTG giảm 5,1%, MBB giảm 4,4%, VPB giảm 4,4%, ACB 4,2%, SHB 4,2%...

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng dường như không có nhiều thông tin mới hỗ trợ. Sức mạnh của nhóm này cũng đã giảm sút nhiều so với thời điểm còn là cổ phiếu “vua”.

Diễn biến giao dịch của nhóm ngân hàng cho thấy, những phiên tăng giảm của nhóm ngân hàng thường không có sự đồng thuận của tất cả các mã trong nhóm mà các mã thường tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch. Hơn nữa, thanh khoản của nhóm ngân hàng vẫn không được cải thiện.

Nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua cũng đua nhau giảm giá như: GAS giảm 1,6%, PLX giảm 1,3%, PVD giảm 5,1%, PVS giảm 6,7%), PVB giảm 2,5%...

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu dầu khí đang ngày càng suy giảm có lẽ do nhiều nhà đầu tư e ngại về diễn biến của thị trường chung cũng như những câu chuyện riêng về giá dầu.

Hiện tại, trong ngắn hạn, giá dầu thế giới đang trong xu hướng giảm và tuần giao dịch vừa qua cũng là một tuần giá dầu thế giới đi xuống. Uớc tính, giá dầu Brent trong tuần qua giảm hơn 4%, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 1,7%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thường diễn biến theo đà tăng, giảm của thị trường chung. Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giảm giá như: SSI giảm 1,5%, VND giảm 6,8%, HCM giảm 2,8%, MBS giảm 4,6%, CTS giảm 6,4...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm giá, nhưng giao dịch khá ảm đạm và cũng chưa có tín hiệu tích cực nào cho thấy nhóm cổ phiếu này sẽ tăng trưởng mạnh trong tuần tới.

Rõ ràng, sự giảm giá đang xảy ra tại tất cả các nhóm cổ phiếu. Hiện tại, chưa tìm ra nhóm cổ phiếu nào có đủ khả năng dẫn dắt thị trường chung tăng trưởng. Có chăng, các nhóm cổ phiếu này chỉ đủ sức giữ nhịp, nâng đỡ thị trường tránh khỏi giảm sâu.

Dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong xu hướng giảm ngắn hạn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng: "Các phiên hồi phục của thị trường trong tuần này đi kèm thanh khoản sụt giảm xuống mức thấp chưa phải là tín hiệu tin cậy cho thấy thị trường sớm quay trở lại nhịp tăng điểm.

Nhiều khả năng thị trường sẽ trải qua các phiên lình xình, điều chỉnh nhẹ trong tuần sau. Biến động các nhóm cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh phụ thuộc báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 dần được công bố".

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC nêu quan điểm, trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index trải qua sự biến động lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý phần lớn thời gian thanh khoản rất thấp, giao dịch không sôi động.

Chỉ đến cuối phiên, việc ETF cơ cấu danh mục mới cải thiện thêm thanh khoản. Các cổ phiếu lớn tăng giảm đan xen nhau, chưa thấy sự đồng thuận.

BSC nhận định thị trường chưa có dấu hiệu xác nhận sự trở lại của dòng tiền, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần danh mục, tránh việc sử dụng margin (giao dịch ký quỹ).

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC: "Các chỉ số phục hồi nhẹ với biên độ hẹp và thanh khoản thấp. Dòng tiền trên thị trường hiện rất yếu và xu hướng giảm ngắn hạn vẫn đang tiếp tục. Nhà đầu tư có thể tạm thời giữ vị thế quan sát để chờ các tín hiệu rõ ràng hơn."./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục