Chứng khoán Việt cần yếu tố kích hoạt dòng tiền lớn

16:45' - 07/06/2019
BNEWS Thị trường thời gian tới cần những thông tin đủ mạnh để kích hoạt dòng tiền quay trở lại.
Chứng khoán Việt cần yếu tố kích hoạt dòng tiền lớn. Ảhh minh họa: TTXVN

Tính đến tháng 5/2019, VN - Index đã có nhịp phục hồi khá tốt cùng với xu hướng thế giới với mức tăng trưởng 9,4% so với đầu năm. Tuy nhiên, bước vào tuần đầu tiên của tháng 6, thị trường có những phiên sụt giảm mạnh khi tâm lý nhà đầu tư bị “đè nặng” bởi diễn biến tiêu cực từ các thông tin vĩ mô từ thế giới, trong khi không có thêm thông tin tích cực hỗ trợ. Theo một số chuyên gia, thị trường đang rất cần những thông tin đủ mạnh để kích hoạt dòng tiền lớn quay trở lại.

Theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, sau quý I tăng trưởng tương đối mạnh của VN - Index (9,9%), thị trường chứng khoán quý II trở nên khó khăn hơn khi bắt đầu bước vào nhịp điều chỉnh với sự suy yếu của cả 4 nhóm Index (VN30 - Midcap - Smallcap và VN - Index); trong đó, hiệu suất của VN30 tính đến tháng 5/2019 đang kém hơn các nhóm Index khác một phần do ảnh hưởng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Liên tiếp những phiên giao dịch đầu tháng 6, chỉ số VN – Index lao dốc mạnh. Đến phiên cuối tuần (7/6), VN – Index tăng hơn 10 điểm lên 958,28 điểm để tiến sát mốc cuối tháng 5 (959,88 điểm). Như vậy, thị trường đang có những diễn biến “lình xình”. Bên cạnh đó, thanh khoản trung bình phiên trong 6 tháng đầu năm 2019 có xu hướng giảm so với đỉnh thanh khoản năm 2018 và đang thấp hơn mức trung bình của năm 2017.

Ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, trong những phiên tuần đầu tháng 6, VN - Index giảm mạnh xuống ngưỡng 945 điểm, trong khi thanh khoản các phiên giao dịch gần đây đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ số VN – Index đã giảm xuống thấp. Đây là ngưỡng hỗ trợ tương đối mạnh, khả năng những tuần còn lại của tháng 6, thị trường sẽ có sự hồi phục nhất định.

Hiện tại, các thông tin về thị trường chứng khoán Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng sức ảnh hưởng sẽ không mạnh như trước.

Ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Về tác động trong nước, theo ông Nam, quý II/2019, đa số kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được dự báo sẽ không được khả quan nên sẽ có những tác động không như kỳ vọng lên thị trường.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nhìn nhận, tuần đầu tiên của tháng 6, thanh khoản thị trường rất thấp (dưới 2.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch).

Điều này thể hiện dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường. Hiện tại, chưa có nhân tố kích hoạt dòng tiền quay trở lại, trong khi rủi ro từ các thông tin vĩ mô trên thế giới tiếp tục gia tăng, đơn cử như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến rất khó lường.

Chuyên gia chứng khoán đến từ MBS cho rằng, trong tháng 6, thị trường sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý II được dự báo sẽ không được tích cực như năm ngoái. Vì vậy, thị trường có thể diễn biến tích lũy đi ngang, chưa có xu hướng rõ ràng.

Thực tế, sự điều chỉnh của thị trường Việt Nam kể từ cuối tháng 3 một phần là do xu hướng điều chỉnh của các thị trường lớn trên thế giới, phần nữa là do xu hướng giảm tăng trưởng thu nhập của các doanh nghiệp. Kết thúc quý I/2019 tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đã giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, thị trường thời gian tới cần những thông tin đủ mạnh để kích hoạt dòng tiền quay trở lại và thông tin này có thể đến từ thị trường thế giới. Chẳng hạn như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hạ lãi suất sẽ là yếu tố kích hoạt dòng tiền vào thị trường.

Bên cạnh đó, việc cho ra đời sản phẩm mới chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) vào cuối tháng 6, cũng có thể là nhân tố khiến nhà đầu tư quan tâm đến thị trường, giúp thị trường tích cực trở lại.Dù vậy, có lẽ thị trường sẽ không có những nhịp giảm quá sâu khi vẫn có những yếu tố tích cực nâng đỡ.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, thực tế, khối ngoại vẫn đang rót vốn vào Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn đang thu hút được dòng tiền này. Dù mức độ mua ròng của khối ngoại có thể không quá lớn như kỳ vọng.

Lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I đã tác động khá tích cực cho thị trường khi lũy kế ròng khớp lệnh tăng lên mức 2.915 tỷ vào tuần giao dịch thứ 18 và sau đó giảm dần do hoạt động bán ròng tăng lên trong thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia chứng khoán tại MBS. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Theo nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS, kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng. Kinh tế Việt Nam 2019 vẫn hứa hẹn một năm tăng trưởng tốt với các cân đối vĩ mô ổn định mặc dù tốc độ tăng trưởng sẽ giảm nhẹ.

Dòng vốn FDI vẫn chọn Việt Nam là điểm đến. Bối cảnh xung đột thương mại Mỹ  - Trung càng hỗ trợ Việt Nam thu hút FDI.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích đến từ MBS, dòng tiền đổ vào các thị trường tài sản sẽ khó tăng mạnh do biện pháp điều hành thận trọng của Ngân hàng Nhà nước.

Theo MBS, trong năm 2019, với diễn biến giá dầu và giá hàng hóa giảm trên toàn cầu, áp lực lạm phát của Việt Nam cũng sẽ ổn định.

Đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, MBS cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 3,3% (cập nhật tháng 4/2019); trong đó, đà suy giảm tăng trưởng chủ yếu đến từ các nền kinh tế phát triển (Mỹ, EU, Nhật) và Trung Quốc.

Mặc dù đà tăng trưởng toàn cầu có xu hướng chậm lại nhưng mức tăng trưởng 3,3% vẫn là một con số tích cực. Tuy nhiên với rủi ro căng thẳng thương mại tăng cao, kéo theo sự gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế; trong đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 và 2021 có thể sẽ suy giảm đáng kể.

Trong trường hợp chiến tranh thương mại diễn ra trong thời gian dài, dòng vốn khó có thể hoàn toàn đứng ngoài thị trường, thay vào đó, dòng tiền có xu hướng chọn lọc mã cổ phiếu theo tiêu chí chất lượng và đầu tư giá trị.

Với tình hình vĩ mô trong nước và thế giới, MBS dự báo VN- Index năm 2019 có thể dao động trung bình quanh mốc 900 điểm, dao động trong khoảng từ 814 điểm đến 1.010 điểm.

Nhận định về diễn biến thị trường cho những tháng còn lại của năm 2019, ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, thị trường có thể dao động trong khoảng 940 đến 1.150. Cơ hội có thể xuất hiện tại một số mã cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc ngành bất động sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục