Chuỗi giá trị ngành điện hưởng lợi

09:49' - 14/11/2023
BNEWS Tăng giá điện được cho là sẽ giúp có tác động tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối điện, nhưng sẽ gây khó khăn tới doanh nghiệp sản xuất.

Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), giá điện bán lẻ tăng ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đóng vai trò là nhà mua-bán điện chính.

MBS nhận thấy xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ năm 2022, khi nền giá đầu vào thế giới tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính.

Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nột bật trên sàn như Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: POW), Tổng Công ty Phát điện 3 (mã chứng khoán: PGV), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2), Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao, đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.

 

Việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ đồng doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện trên.

MBS cũng cho rằng, những doanh nghiệp xây lắp điện cũng sẽ được hưởng lợi. Giai đoạn 2022-2023 rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, vì không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, dòng tiền cho các dự án cũng bị giãn đoạn.

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị đơn hàng tồn động (backlog) ký mới không cao, khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện.

Theo đó, với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5-1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình sớm để thực hiện hóa điều này. MBS cho rằng hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (mã chứng khoán: VNE), Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán: PC1), Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán: TV2) sẽ được hưởng lợi.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, mặc dù việc tăng giá điện này sẽ không mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà máy điện, nhưng diễn biến này có lợi cho các cổ phiếu ngành điện do việc tăng giá điện bán lẻ sẽ củng cố dòng tiền của các nhà máy điện.

Trước đó, ngày 9/11/2023, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân lên 2.006 đồng/kWh, tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại.

Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%. MBS cho rằng đợt tăng giá sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN, tuy nhiên, đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong 2023.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, thép và giấy sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá điện tăng.

Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. 

Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) ước tính, chi phí điện tăng 4,5% làm cho giá vốn tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 23%, lợi nhuận trước thuế ngành giấy giảm 2%, lợi nhuận trước thuế ngành xi măng giảm 21%, lợi nhuận trước thuế ngành hóa chất giảm 1%. 

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.

Song thực tế, việc chuyển tiếp chi phí cho người tiêu dùng là không dễ. Riêng với ngành thép, giá thép xây dựng trong nước vẫn đang liên tục sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ chậm, cũng như thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc và áp lực từ thép nhập khẩu. Sau 19 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, giá thép Hòa Phát các loại đã rơi xuống vùng 13-14 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhìn tổng thể, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, phần nào sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục