Chương trình việc làm cho sinh viên quốc tế tại Canada cần được xem xét lại

07:06' - 08/04/2016
BNEWS Bài viết về những bất cập trong chương trình việc làm dành cho sinh viên quốc tế của Chính phủ Canada mới đây được đăng trên trang “Globe & Mail”.
Bài viết về những bất cập trong chương trình việc làm dành cho sinh viên quốc tế của Chính phủ Canada mới đây được đăng trên trang “Globe & Mail”. Ảnh: Reuters

Trong đó nhấn mạnh chương trình này đang tạo ra lực lượng lao động thu nhập thấp, khuyến khích các chương trình đào tạo sau phổ thông chất lượng kém và cần phải được xem xét lại.

Theo Chương trình giấy phép việc làm sau tốt nghiệp (PGWP), sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học của Canada có thể ở lại làm việc trong ba năm sau khi ra trường.

Thông thường khoảng 50-60% sinh viên quốc tế nộp hồ sơ xin giấy phép việc làm và đã có khoảng 70.000 em được cấp giấy phép này trong năm 2014.

Chương trình được thiết kế nhằm làm tăng tính hấp dẫn của các trường cao đẳng tại Canada và trao cho sinh viên quốc tế cơ hội có thêm kinh nghiệm làm việc, giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình xin giấy phép cư trú lâu dài sau này.

Tuy nhiên, theo một báo cáo nội bộ dài 35 trang của Bộ Nhập cư và Công dân Canada, phần lớn những sinh viên quốc tế ở lại sau khi tốt nghiệp chỉ kiếm được những việc làm phổ thông trong ngành dịch vụ với thu nhập bình quân chưa bằng một nửa so với những sinh viên bản địa tốt nghiệp đại học và cao đẳng.

Báo cáo nhấn mạnh: “Việc nới lỏng tuyển dụng lao động tạm thời, hầu hết cho những công việc thu nhập thấp, có thể trái với các mục tiêu trong Chiến lược Ưu tiên tuyển dụng Lao động Canada”.

Chiến lược này được chính phủ Bảo thủ trước đây đưa ra với mục đích đảm bảo người lao động Canada sẽ nhận được ưu tiên tuyển dụng cao hơn so với những lao động nước ngoài, sau khi phát hiện ra rằng các nhà tuyển dụng đang lạm dụng Chương trình tuyển dụng lao động nước ngoài tạm thời.

PGWP là một trong các quy định được đưa ra dựa trên kết quả rà soát các chính sách đối với người lao động nước ngoài tạm trú tại Canada.

Nhưng sau khi đánh giá kết quả sáu năm thực hiện chương trình PGWP (từ 2008-2014), báo cáo của Bộ Nhập cư và Công dân Canada đặt ra nhiều nghi vấn về cách thức Canada thu hút sinh viên quốc tế, cũng như việc du học sinh xin cư trú lâu dài sau khi kiếm được việc làm.

Báo cáo cho thấy hầu hết các sinh viên quốc tế theo học tại Canada không được đối xử công bằng trên thị trường lao động.

Đơn cử năm 2010, thu nhập trung bình của các sinh viên quốc tế tại Canada chỉ là 19.291 CAD/người/năm, thấp hơn nhiều so với mức 41.600 CAD của sinh viên Canada tốt nghiệp cao đẳng và 53.000 CAD của sinh viên Canada tốt nghiệp đại học.

Báo cáo không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho hiện tượng này, nhưng theo lời các du học sinh, các em thường rất khó tìm được việc làm tốt trước khi nhận được giấy cư trú lâu dài.

Những phát hiện nêu trong báo cáo của Bộ Nhập cư và Công dân chắc chắn càng làm rối thêm bản đánh giá về Hệ thống Nhập cư nhanh (Express Entry) được áp dụng cho các sinh viên quốc tế muốn xin giấy phép cư trú lâu dài tại Canada.

Hệ thống này được áp dụng từ tháng 1/2015 và không cộng thêm bất kỳ điểm ưu tiên nào cho các du học sinh học tập tại Canada, khác hẳn chương trình nhập cư dành cho sinh viên quốc tế được áp dụng trước đó.

Express Entry bị chỉ trích là gây khó cho sinh viên nước ngoài trong việc xin làm thường trú nhân. Chính vì thế, đầu tháng này, Bộ trưởng Nhập cư và Công dân John McCallum cho biết Chính phủ Trudeau đang đánh giá lại hiệu quả của hệ thống Express Entry nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhóm sinh viên quốc tế.

Theo thống kê, trong năm 2015, có khoảng 47.000 sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường đại học ở Canada. Những sinh viên này phải đóng học phí gấp 3-5 lần so với sinh viên bản địa.

Riêng đối với du học sinh Việt Nam, trong năm 2015 có khoảng 5.000 sinh viên sang Canada học tập, tăng 16% so với năm trước đó. Trung Quốc là nước có số du học sinh sang học tại Canada nhiều nhất, chiếm 33% trong tổng số 336.000 du học sinh các cấp tại Canada. Việt Nam chỉ chiếm 1%. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục