Người kỹ sư gốc Việt ước mơ phủ sắc anh đào bên Hồ Xuân Hương

15:20' - 11/02/2016
BNEWS Gần 30 năm học tập, sinh sống tại Mỹ, anh Trần Thắng, một Việt kiều tại thành phố New York (Mỹ) luôn tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.
Kỹ sư Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, Chủ tịch và sáng lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York. Ảnh: TTXVN

Là kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Trường đại học Connecticut (Mỹ), anh Trần Thắng (sinh năm 1970) luôn ấp ủ những dự án giáo dục , văn hóa, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Chính từ mong muốn đó, năm 2000, anh đã thành lập Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam tại New York (Mỹ). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận giúp anh hiện thực hóa tâm huyết của mình.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn của bản thân về việc thực hiện các dự án giáo dục, văn hóa về Việt Nam, 15 năm nay, trên cương vị Chủ tịch Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam tại New York, anh Trần Thắng đã thực hiện được nhiều dự án giáo dục có ý nghĩa.

Thông qua các dự án của mình, anh đã tặng trên 3.500 sách giáo khoa và 2.000 tạp chí chuyên ngành đến 8 trường đại học và 2 thư viện quốc gia ở Việt Nam, đồng thời xúc tiến phát triển hợp tác giáo dục Việt-Mỹ thông qua việc tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các trường đại học hai nước.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam với các bạn bè nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Anh Trần Thắng chia sẻ, với mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp đỡ học sinh, sinh viên Việt Nam có nguyện vọng học tập tại Mỹ, từ năm 2000 đến nay, anh đã giúp đưa hơn 100 du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ và sinh viên Mỹ tham gia giảng dạy tại 7 trường đại học Việt Nam, đồng thời tổ chức đưa du học sinh về nước giảng dạy tiếng Anh phục vụ trên 4.000 sinh viên, học sinh.

Thông qua các dự án về giáo dục, anh cũng tổ chức trên 50 hội thảo tại 7 đại học hàng đầu Việt Nam, phục vụ trên 7.000 học sinh, sinh viên, cán bộ giảng dạy, người đi làm.

Ngoài lĩnh vực giáo dục, anh còn tích cực quảng bá và thực hiện nhiều dự án văn hóa nhằm quảng bá nền văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là trên đất nước Mỹ.

Hoa anh đào được mang về trồng bên Hồ Xuân Hương. Ảnh: TTXVN

Mang sắc anh đào về Việt Nam

Với mơ ước thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành điểm tổ chức lễ hội hoa anh đào của thế giới trong tương lai không xa, anh Trần Thắng đã nảy ra ý tưởng đưa giống hoa anh đào Nhật ở Mỹ về trồng tại Đà Lạt.

Từ ý tưởng ban đầu, năm 2015, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về giống anh đào Nhật Bản được trồng trên đất Mỹ, anh Trần Thắng đã mua 6 cây anh đào giống Yoshino là một trong những giống anh đào đẹp nhất trong số hơn 200 giống anh đào của Nhật Bản vận chuyển bằng máy bay về Việt Nam tặng thành phố Đà Lạt.

Loại anh đào này khi trưởng thành cao khoảng 8 mét với tán có đường kính 5 mét, hoa màu trắng tinh khiết.

Anh Trần Thắng cho biết, năm 1912, Chính phủ Nhật Bản đã tặng 3.000 cây anh đào trồng ở hồ Potomac, thủ đô Washington, Mỹ. Từ đó đến nay, nơi đây đã hình thành nên lễ hội hoa anh đào vào đầu tháng 4 hàng năm.

Trên thế giới hiện nay có hai lễ hội hoa anh đào ở Nhật và Mỹ, chính vì vậy với ý tưởng trồng anh đào Nhật quanh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, anh Trần Thắng hy vọng trong tương lai sẽ tổ chức được lễ hội hoa anh đào tại Việt Nam.

Anh hào hứng chia sẻ: “Sau quá trình trồng thử nghiệm 6 cây anh đào Nhật Bản đầu tiên này, nếu thành công Viện văn hóa và Giáo dục Việt Nam sẽ quyên góp tiền để mua 1.000 cây tặng Ðà Lạt và toàn bộ số anh đào này sẽ được trồng rộng rãi quanh bờ hồ Xuân Hương để phục vụ du khách".

Theo anh Thắng, dự án đưa anh đào Nhật ở Mỹ về Việt Nam nếu thành công, không chỉ khiến Đà Lạt trở thành điểm đến cho hàng vạn du khách mà còn nói lên tinh thần xây dựng cộng đồng, khi mọi người trong xã hội có ý thức đóng góp xây dựng môi trường sống sạch, đẹp, văn minh.

Nói về những dự án ấp ủ của mình, anh Thắng cho biết trong năm 2016 mong muốn hợp tác cùng Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bảo tàng khoa học kỹ thuật nhằm phát triển tinh thần đam mê khoa học-kỹ thuật trong học sinh, sinh viên; xây dựng mạng lưới hợp tác đại học Mỹ-Việt, qua đó phát triển trao đổi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước …

Anh Trần Thắng mong muốn, thông qua Viện V ăn hóa và G iáo dục Việt Nam , sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc hỗ trợ giáo dục và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục