Chuyển đổi mạnh cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm

18:15' - 30/05/2019
BNEWS Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này; trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính... được các đại biểu cho rằng đang là rào cản để các doanh nghiệp phát triển. Để đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập trên trong thời gian tới. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

*Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận): Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tôi nhận thấy, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Là năm thứ ba liên tiếp thực hiện thành công tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân dưới 4%, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 7,08% là mức tăng cao nhất từ năm 2008 đến nay, năng suất lao động bình quân ba năm từ năm 2016-2018 cao hơn nhiều mức tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015.

Tôi cho rằng, phát triển doanh nghiệp, đây thực sự còn là vấn đề khó khăn. Nếu báo cáo của Chính phủ nêu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tăng cao, thì số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng rất cao (trên 27.000 doanh nghiệp). Đây là thực trạng phản ánh cơ chế chính sách về môi trường đầu tư còn chưa thuận lợi.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại địa phương cho thấy, hộ kinh doanh cá thể đóng thuế ít hơn so với khi phát triển lên thành doanh nghiệp, do đó các hộ kinh doanh cá thể không muốn thành doanh nghiệp.

Để đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, theo tôi, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các hộ kinh doanh cá thể, đây là nguồn lực rất lớn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá kỹ thực trạng và đề ra giải pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao và việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.

*Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Tập trung phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân

Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội, có nêu vấn đề nền kinh tế đang chuyển dịch sang phát triển khu vực chế biến chế tạo. Tuy nhiên, khu vực này phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); và một phần tăng trưởng kinh tế cũng dựa vào khối này.

Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích được mối liên kết sản xuất, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, phần giá trị gia tăng lớn lại rơi vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia vào các khâu mang lại giá trị gia tăng thấp.

Do đó, tôi cho rằng Chính phủ cần làm rõ một số vấn đề nêu trên nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết với các doanh nghiệp FDI. Từ đó, mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của khu vực chế biến chế tạo.

Chính phủ cũng cần có những chính sách nhằm hỗ trợ các tập đoàn kinh tế tư nhân. Làm sao để các tập đoàn kinh tế tư nhân này trở thành những doanh nghiệp "đầu đàn" dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển. Qua đó, sẽ giảm đi sự phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI; nền kinh tế mới thực sự phát triển dựa vào đúng nội lực. Mặt khác vẫn tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

*Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam): Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính

Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Trong số 5.000 điều kiện về kinh doanh cho đến nay có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế, tính ra có khoảng 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế. Thực chất, nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trần Tất Thế phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Vậy nên, mức độ cải thiện về môi trường kinh doanh theo đánh giá mới chỉ đạt khoảng 40-50% so với trước kia. Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung và hiệu quả vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại. Vì có điều kiện kinh doanh đang được ẩn dưới cụm từ "thực hiện theo quy định của bộ quản lý" hoặc nhập nhiều thủ tục, điều kiện vào thành một thủ tục hành chính.

Khi mà các doanh nghiệp, cá thể không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp do thủ tục phiền hà, phức tạp thì mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp sẽ khó thực hiện .

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này; trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Năm 2019 giảm ít nhất 5% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và bắt buộc các bộ, ngành phải kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia./.

>>>>   Gỡ chính sách thuế và thủ tục hải quan khi tham gia Hiệp định CPTPP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục