Chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động trong EVN

10:36' - 21/11/2022
BNEWS Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu với những lợi ích đem lại mọi mặt hoạt động cho doanh nghiệp, từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, sản xuất kinh doanh….

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không nằm ngoài xu hướng này, thể hiện ở quá trình tiếp cận và triển khai sớm với việc xây dựng Đề án tổng thể Chuyển đổi số theo Nghị quyết 68/NQ-HĐTV và danh mục nhiệm vụ thực hiện theo văn bản 850/EVN-VTCNTT ngày 23/02/2021.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tuấn - Trưởng Ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVN xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, đến thời điểm này Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025 như thế nào? Và qúa trình thực hiện này Tập đoàn có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Ngày 17/2/2021, Tập đoàn đã thông qua Kế hoạch tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 với 5 lĩnh vực chính. Đó là: Quản trị nội bộ, Đầu tư xây dựng, Kỹ thuật sản xuất, Kinh doanh và dịch vụ khách hàng, Viễn thông công nghệ thông tin với mục tiêu đến hết năm 2022 EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và đến năm 2025 hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Tính đến hết tháng 10/2022, với 45 nhiệm vụ trọng tâm, khối lượng thực hiện đạt gần 88%; trong đó có 3 lĩnh vực hoàn thành trên 90% khối lượng.

EVN là một doanh nghiệp lớn, phạm vi rộng khắp, do đó quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2021, tuy nhiên cũng nhờ đó mà nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh và đem lại hiệu quả tích cực.

Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số đó là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi thói quen hàng ngày của người lao động trong khi lực lượng lao động của EVN có trên 90 nghìn cán bộ công nhân viên. Đây là một thách thức rất lớn của EVN. Vì vậy trong Kế hoạch tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đã xác định rất rõ “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức của từng người lao động trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo các cấp và toàn thể người lao động trong Tập đoàn. Xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động trong toàn Tập đoàn”.

PV: Để trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, theo ông EVN cần triển khai những nhiệm vụ cụ thể gì? Giải pháp thực hiện mục tiêu này ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Trong lộ trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong EVN, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ 4 trụ cột. Đó là: Cải tiến Qui trình, Ứng dụng Công nghệ, Phân tích và quản lý dữ liệu, Văn hóa và Chiến lược số trong 4 lĩnh vực hoạt động chính. Trong mỗi lĩnh vực EVN xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu cần đạt, nhiệm vụ nào làm thí điểm, nhiệm vụ nào triển khai diện rộng.

Ví dụ như: Trong lĩnh vực quản trị EVN 100% đơn vị phải triển khai hệ thống D-Office và trục liên thông văn bản, 100% cán bộ quản lý được cấp chữ ký số và ban hành các qui định các loại văn bản sử dụng dưới dạng điện tử.

Đối với các nghiệp vụ cải tiến qui trình, EVN giao 1-2 đơn vị nghiên cứu thí điểm, thử nghiệm công nghệ. Cụ thể, giao Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) nghiên cứu xây dựng ứng dụng hiện trường trong kỹ thuật; giao Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai thử nghiệm mô hình UAV thông minh và Trí tuệ nhận tạo trong phát hiện sự cố trên đường dây 500 kV. Khi các nhiệm vụ thí điểm được triển khai thành công và hiệu quả sẽ được nhân rộng trong EVN.

Ngoài ra, để vượt qua khó khăn, EVN đã ban hành Kế hoạch đào tạo chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, chúng tôi đã hoàn thành xây dựng 67 bài giảng E-Learning chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số và tổ chức được 247 khóa học về chuyển đổi số với sự tham gia học tập của 239.353 lượt người.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã liên tục truyền thông về chuyển đổi số trên các ấn phẩm truyền thông nội bộ của Tập đoàn. Đến nay đã có 65 phóng sự phát thanh/truyền hình/bản tin/video clip; 934 tin bài, clip, inforgraphic trên báo/tạp chí; 592 tin bài, clip, inforgraphic trên website, các chuyên trang nội bộ; 329 tin bài, clip, inforgraphic trên Fanpage, mạng xã hội.

Mặt khác, Tập đoàn còn tổ chức cuộc thi về sáng kiến, ý tưởng chuyển đổi số trên Fanpage của EVN với gần 1.000 bài dự thi; trong đó có nhiều bài dự thi có chất lượng cao. Ngoài ra, các Tổng công ty Điện lực cũng đã tổ chức 10 cuộc thi về chuyển đổi số.

PV: Hiện các hệ thống, phần mềm thu thập dữ liệu đo đếm (EVNHES), Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS), hệ thống thông tin quản lý khách hàng dùng điện (CMIS), Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện (PMIS)… đã và đang triển khai trong toàn Tập đoàn. Vậy xin ông cho biết các hệ thống, phần mềm này đã phát huy hiệu quả ra sao trong lãnh đạo quản lý, sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của EVN?

Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Các phần mềm EVNHES, IMIS, CMIS, PMIS… là các phần mềm dùng chung trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được triển khai áp dụng trong EVN nhiều năm qua và được thường xuyên nâng cấp về công nghệ, cũng như cải tiến qui trình cho phù hợp với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Hầu hết các phần mềm dùng chung của EVN là do đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin xây dựng và triển khai phù hợp với những đặc thù ngành.

Lợi ích của các phần mềm mang lại là rất lớn, cụ thể như: Các phần mềm giúp tiêu chuẩn hóa, thống nhất được qui trình nghiệp vụ chung trong các lĩnh vực. Đồng thời thông tin cung cấp đến các cấp được nhanh chóng, chính xác và kịp thời, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các hệ thống công nghệ thông tin đã thể hiện rõ hơn tính hiệu quả đó là cung cấp thông tin đầy đủ và môi trường làm việc để hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của EVN được liên tục, không bị gián đoạn. Hệ thống báo cáo BI được triển khai và cung cấp thông tin tại các Tổng công ty và Tập đoàn. EVN đã loại bỏ rất nhiều các báo cáo bằng giấy tờ nhờ chủ động khai thác dữ liệu của các phần mềm.

Trong lĩnh vực kinh doanh, các hệ thống cũng cung cấp dữ liệu để phân tích, đánh giá các chỉ số theo như chỉ số tiếp cận điện năng, chỉ số mất điện của khách hàng. Đến nay, EVN đã có những bước tiến đáng tự hào trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng với những dấu ấn nổi bật của EVN được ghi nhận qua kết quả xếp hạng chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27 trên 190 quốc gia, nền kinh tế trên thế giới (năm 2019). Cùng đó, điểm đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng dành cho EVN cũng tăng từ 6,45 điểm (năm 2013) tới 8,29 điểm (năm 2019).

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, áp dụng các phần mềm đã rút ngắn thời gian trình duyệt hồ sơ, áp dụng lưu trữ hồ sơ điện tử thay cho lưu trữ bằng giấy giúp hệ thống hóa danh mục tài liệu của dự án, dễ dàng tra cứu, khai thác thông tin trong quá trình xây dựng và vận hành sau này.

Trong sản xuất, cơ sở dữ liệu thiết bị được phần mềm lấp đầy bởi phần mềm PMIS, từ đó EVN và các đơn vị triển khai được các nghiệp vụ mới, giúp cán bộ vận hành, giám sát có đầy đủ thông tin trong giải quyết công việc hàng ngày.

PV: Trên cơ sở các hệ thống, phần mềm đang xây dựng và triển khai, thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục nâng cấp các hệ thống, phần mềm nào để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị trong Tập đoàn nói riêng và EVN nói chung trong bối cảnh mới như thiên tai, dịch bệnh..., thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Tuấn: Trong định hướng lộ trình chuyển đổi số của EVN đến năm 2025, các hệ thống phần mềm dùng chung tiếp tục được nâng cấp trên các nền tảng công nghệ mới, kiến trúc mới và hướng đến di động hóa cho người sử dụng cũng như cung cấp các tiện ích cho khách hàng điện. Đồng thời chúng tôi cũng xem xét các sáng kiến áp dụng hiệu quả tại các đơn vị để đưa vào áp dụng chung trong toàn Tập đoàn.

PV:Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục