Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp ngành in mở rộng thị trường

21:09' - 22/09/2022
BNEWS Hiện thị trường in trong nước bão hòa, cạnh tranh nội địa áp lực cao, để ngành in tăng trưởng và giảm áp lực cạnh tranh trên sân nhà, thị trường in xuất khẩu là hướng đi cần tập trung.

Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị, giải quyết bài toán về nhân lực để các doanh nghiệp đủ năng lực mở rộng thị trường ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là nhận định của các đại biểu tại tọa đàm "Chuyển đổi số - giải pháp kết nối, quảng bá sản phẩm ngành In Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn phục hồi kinh tế" diễn ra chiều 22/9. Sự kiện do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, Hội in thành phố tổ chức, trong khuôn khổ Triển lãm ngành in Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.

Theo bà Công Thị Minh Sơn, phụ trách lĩnh vực in Cục Xuất bản, In và Phát hành, với tốc độ phát triển nhanh chóng thời gian qua, ngành công nghiệp in Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, khi thị trường in toàn cầu được dự báo tiếp tục có sự tăng trưởng trong 5 năm tới. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng doanh nghiệp in tăng nhanh nhưng còn hạn chế về năng lực, quy mô, trình độ. So sánh trong khu vực cho thấy, quy mô ngành công nghiệp in Việt nam tuy có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

Thực tế, những năm gần đây, việc đầu tư về máy móc, thiết bị cho ngành này vẫn ở mức cao, tuy nhiên chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu chưa cao. Trong 8 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 647 máy in, tuy nhiên, có đến 40% máy đã qua sử dụng, 11% máy trên 20 năm tuổi. Điều này cho thấy, đa số công nghệ sản xuất theo lối truyền thống, sản xuất các loại sản phẩm quen thuộc với chất lượng theo tiêu chuẩn cũ, dẫn tới khó khăn khi khách hàng yêu cầu sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.

Việc chuyển đổi công nghệ trước, trong và sau in tuy đã có những thay đổi nhất định nhưng chưa đồng đều. Tỷ lệ áp dụng công nghệ mới còn thấp, thiếu cập nhật. Sản xuất của các cơ sở in chủ yếu phục vụ trong nước chưa vươn mạnh ra thị trường nước ngoài. Nhân lực cho ngành in hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Thống kê trong 3 năm gần đây, mỗi năm, các cơ sở đào tạo được khoảng 1.300 học viên ngành in nhưng chưa tới 15% trong số đó đạt trình độ kỹ sư. Số lao động có trình độ tay nghề cao phần lớn đã hết tuổi lao động, còn lao động lâu năm trong ngành lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới...

Từ thực tế, ông Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội in Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, dù nhận thấy lợi ích của việc chuyển đổi số nhưng sự thay đổi của ngành vẫn còn khá chậm. Muốn chuyển đổi số nhanh, thành công, doanh nghiệp cần giải quyết bài toán về nhân lực. Trong đó, nâng cao năng lực số của lãnh đạo doanh nghiệp là điều quan trọng nhất. Trước hết, các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực số phù hợp, từ đó mới có thể nâng cao năng lực số của người lao động trong doanh nghiệp. Bên cạnh các kỹ năng khác, năng lực số cần được xem như một tiêu chí cần thiết đối với người lao động trong doanh nghiệp.

Từ đặc thù của ngành, ông Ngô Anh Tuấn đề xuất khung năng lực số cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ngành in với 8 nhóm năng lực cần thiết, gồm: Vận hành thiết bị và phần mềm, khai thác thông tin và dữ liệu, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, an toàn và an sinh số, sáng tạo nội dung số, học tập và phát triển kỹ năng số, sử dụng năng lực số, chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp.

Ở cấp vĩ mô, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu, đưa ra khung năng lực số phù hợp với định hướng phát triển ngành in. Từ khung năng lực số này, các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Về lâu dài cần xây dựng trung tâm quốc gia về đánh giá năng lực cho ngành in, trong đó, chú trọng đến năng lực số.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với các lĩnh vực, trong đó có ngành in, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số, trước hết phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, từ đó doanh nghiệp chủ động tiếp cận và mạnh dạn thí điểm, triển khai.

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp ngành in phát triển cả chiều sâu, chiều rộng, để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cục có định hướng xây dựng trung tâm tư vấn ngành in, hoạt động theo hình thức xã hội hóa để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực từ quản trị, công nghệ, nhân lực.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục