Chuyển đổi số sẽ khắc phục điểm yếu trong nông nghiệp

13:25' - 02/12/2021
BNEWS Có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng được chia thành 7 triệu mảnh ruộng. Đây là dữ liệu khổng lồ đòi hỏi cần được "số hóa" thành kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi giá trị ngành nông nghiệp.

Sáng 2/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp".

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, hiện cả nước có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ thành 7 triệu mảnh ruộng. Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu trên 40 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như: lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ… Đây là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi cần được "số hóa" hay chuyển đổi số thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.

Nhiều nông dân đã thu được tiền tỉ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, vuông tôm, chuồng trại của mình. Nhưng thực tế để hỏi thế nào là chuyển đổi số, không nhiều người nắm rõ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thành công một phần phụ thuộc vào gần 100 nông dân xuất sắc trên cả nước có mặt tại diễn đàn. Đây sẽ là lực lượng đi đầu, dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, dưới tác động của đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia và từng lĩnh vực, từng người dân.

Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

Chuyển đổi số là giải pháp tích cực có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công, ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm của Bắc Giang trong tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác năm 2021, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết,  hàng nghìn tấn vải được đưa tới tay khách hàng trong và ngoài nước qua hoạt động thương mại điện tử. Số lượng tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 8.000 tấn.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều phù hợp với cấp độ của dịch, phù hợp với từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ. Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công các hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế với các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia; trang fanpage…

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử như: Alibaba.com, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, Postmart.vn...

Từ một vùng đất đai vô cùng khô cằn, chỉ có cát và sự nóng bỏng, không cây gì sống nổi ở vùng đất như vậy, nhưng Israel không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải sử dụng những vùng đất như thế này để canh tác. Phương châm của Israel là với vùng đất này phải làm ra nhiều thực phẩm hơn cho nhiều người hơn, nhưng cần ít tài nguyên hơn, ít nước hơn, ít hoá chất hơn…, Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ.

Tìm giải pháp cho vấn đề đó, Israel đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đã biến đất chết thành những cánh đồng. Kỹ thuật này được sáng chế bởi người Israel từ những năm 50 của thế kỉ trước. Không chỉ tưới nước mà còn bón phân, các chất dinh dưỡng cho cây. Công nghệ này cực kì hiệu quả và đang ngày càng được phát triển.

Đại sứ Israel tại Việt Nam còn chia sẻ, Israel trồng rất nhiều cây chà là, quá trình thu hoạch tốn rất nhiều thời gian, họ sẽ phải trèo lên cây để kiểm tra xem quả chín hay chưa, rất là vất vả. Israel đã phát minh ra một thiết bị chỉ nhỏ như bàn tay sử dụng tia hồng ngoại. Nông dân chỉ cần đứng dưới gốc cây, bấm nút và sẽ biết quả chín hay chưa. Điều này giúp nông dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc, không bị đau đớn khi phải trèo liên kiểm tra.

Tiến sỹ Tan Siang Hee - Giám đốc CropLife châu Á đánh giá, Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp. Trong 18 tháng qua với tình hình đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp đã tự chuyển mình rất nhanh; trong đó nổi lên sự kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng.

CropLife Asia đã thực hiện một cuộc khảo sát với trên 130 nông dân trồng lúa, trái cây, cà phê và rau. Kết quả cho thấy có 42% nông dân mong muốn chuyển sang ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số. Nhưng họ băn khoăn phải làm gì, làm như thế nào để có thể áp dụng những công nghệ mới. Theo khảo sát có hơn 89% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 68% trong số đó là điện thoại thông minh, vì vậy đây là cơ hội lớn để người nông dân có thể phổ cập và áp dụng các công nghệ nông nghiệp cải tiến.

Trong những năm qua, CropLife và các công ty thành viên đã phối hợp với Chính phủ và các cơ quan quản lý trong nước giới thiệu và hỗ trợ nông dân ứng dụng các giải pháp khoa học trong nông nghiệp. Để có thể tiếp cận và chuyển đổi, giải pháp là chia thành nhiều khoảng thời gian nhỏ hơn, điều này có thể thu hút những nông dân mới, khách hàng mới trả tiền đầu tư cho việc áp dụng công nghệ, thương mại điện tử là một ví dụ điển hình.

Là một trong những nông dân xuất sắc năm 2021, anh Hoàng Quang Đông, ở Hưng Yên chia sẻ, khi nói đến Hưng Yên, nhiều người nghĩ ngay đến nhãn lồng nhưng ít ai biết đây còn là thủ phủ của nghệ. Củ nghệ Chí Tân (Khoái Châu) được các đối tác Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu... đến khảo sát, phân tích mẫu phẩm đều đánh giá cao và vượt trội so với sản phẩm nghệ ở các nước trên thế giới.

Với tiềm năng đó, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên đã sớm xây dựng và chủ động sản xuất, chế biến sản phẩm nghệ như bột nghệ, nghệ khô, tinh bột nghệ để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh việc sản xuất, năm 2016 công ty còn đầu tư hàng chục triệu đồng để quảng cáo sản phẩm trên kênh mạng xã hội, sàn thương mại diện tử. Công ty đã thu được thành quả rất tốt, nhiều đại lý đã kết nối, xuất bán thu về hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Trong 3 năm trở lại đây, công ty đã hợp tác với đối tác Nhật Bản, châu Âu... Riêng thị trường Nhật Bản, đơn vị đã xuất khẩu hàng trăm tấn mỗi năm. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để bán các sản phẩm mới, giá trị cao hơn.

Với việc số hóa dữ liệu, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho rằng, khi hệ thống thông tin cảnh báo dịch bệnh đều được ghi chép trên điện tử, nếu có dịch bệnh sẽ phát hiện và xử lý ngay. Nếu mức độ lây lan cao thì sẽ cử cán bộ xuống ngay để khoanh vùng ổ dịch. Hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh sẽ hiệu quả hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục