Chuyên gia lo ngại về tác động của tiền điện tử Facebook

17:34' - 20/06/2019
BNEWS Việc Facebook thông báo dự án ra mắt tiền điện tử Libra mặc dù được đánh giá là một bước chuyển lớn song đã làm dấy lên không ít quan ngại.
Biểu tượng Facebook. Ảnh: EPA/ TTXVN

Việc Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh, thông báo dự án ra mắt tiền điện tử Libra mặc dù được đánh giá là một bước chuyển lớn song đã làm dấy lên không ít quan ngại về tương lai của đồng tiền "ảo" này cũng như tác động đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo một bài viết đăng ngày 19/6 trên trang tin Microsoftnews, bản thân tên gọi của Libra đã mang đến một sự hoài nghi.

Facebook gọi Libra là đồng tiền mã hóa, khiến nhiều người lo ngại rằng đồng tiền này sẽ biến động khó lường tương tự Bitcoin.

Tiền điện tử Bitcoin đã thất bại trong việc trở thành một đồng tiền ổn định do biến động khó đoán định và dao động giá mạnh trong khoảng thời gian ngắn.

Chỉ riêng trong năm 2018, Bitcoin đã giảm khoảng 80% giá trị so với mức đỉnh vào giữa tháng 12/2017, khi giá đồng tiền này tăng vọt lên gần 15.652,60 bảng Anh (khoảng 20.000 USD).

Nhiều chuyên gia nhận định sự thống trị của đồng Bitcoin trên thị trường tiền ảo sẽ sớm đến hồi kết, và Libra có nguy cơ rơi vào kịch bản tương tự.

Tác giả bài viết đồng thời bày tỏ quan ngại đối với sự an toàn của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo tác giả, việc một công ty công nghệ phát hành một đồng tiền - mang đến thêm một lựa chọn cho người tiêu dùng trong thanh toán toàn cầu - có thể đặt các chính phủ trên thế giới vào thế chưa sẵn sàng ứng phó.

Lý do là bởi từ trước đến nay, hầu hết các loại tiền tệ đều chịu sự quản lý của các chính phủ.

Chung quan điểm trên, tác giả Mathew Lynn trên chuyên mục kinh doanh của tờ Telegraph cảnh báo, nếu thành công, tiền điện tử có thể đặt dấu chấm hết cho ngành ngân hàng truyền thống, tạo ra một đơn vị tiền tệ chung đầu tiên trên toàn thế giới, và làm suy yếu quyền lực của các chính phủ và các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tác giả nhận định điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng những xu thế này sẽ dần nhận được thêm nhiều lực đẩy và một khi bắt đầu sẽ không thể dừng lại.

Tác giả Mathew Lynn nêu rõ, trước tiên, tiền điện tử sẽ phá vỡ hoạt động của các ngân hàng truyền thống, vốn vẫn ở tình trạng yếu ớt trong suốt một thập kỷ qua.

Với công nghệ cũ kỹ, thương hiệu yếu, dịch vụ khách hàng chưa tốt, chi phí nhân viên và văn phòng cao, những ngân hàng này sẽ khó có thể sống sót trong thời đại của tiền tệ điện tử.

Tác giả cảnh báo, nếu Libra thành công, đồng tiền này có thể khiến chính phủ các nước hoặc phải đoạt quyền kiểm soát hoặc bẻ gãy hoạt động kinh doanh của Facebook. Và nếu Facebook có thể “thoát nạn”, nền kinh tế tiền tệ sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.

Hiện không ai có thể khẳng định liệu Libra của Facebook sẽ thành công hay thất bại. Nhưng mạng xã hội này hiện đang là người chơi lớn nhất từ trước đến nay trên lĩnh vực tiền kỹ thuật số.

Giới quan sát nhận định chắc chắn một trong số các công ty công nghệ lớn hiện nay sẽ tạo ra đột phá để tiến vào lĩnh vực tiền điện tử, nếu không phải là Facebook thì sẽ là Amazon hay Apple.

Những hệ quả của một đồng tiền số chung cho toàn thế giới cũng chưa thể hoàn toàn đoán trước, nhưng một điều chắc chắn rằng nó sẽ làm thay đổi cách thức nền kinh tế vận hành.

Ngày 18/6, Facebook tuyên bố đang triển khai tiền điện tử riêng với tên gọi Libra nhằm tạo ra hệ thống thanh toán toàn cầu với chi phí thấp có thể hoạt động trên các thiết bị thông minh.

Đây là động thái mới nhất của Facebook trong nỗ lực nhằm mở rộng sang thương mại điện tử và thanh toán toàn cầu.

Libra sẽ được dùng trong ví điện tử của riêng Facebook với tên gọi Calibra và các dịch vụ khác. Calibra sẽ được kết nối qua nền tảng tin nhắn của Facebook bao gồm Messenger và WhatsApp, hiện đang có hơn 1 tỷ người dùng.

Facebook hy vọng tiền điện tử Libra sẽ giúp thúc đẩy giao dịch giữa các khách hàng và doanh nghiệp trên toàn cầu, đồng thời giúp những khách hàng không dùng dịch vụ ngân hàng có thể lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ tài chính.

Theo kế hoạch, đồng tiền điện tử này sẽ được thử nghiệm cuối năm nay và đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục