Chuyên gia: Mỹ không hưởng bất kỳ lợi ích nào từ tranh chấp thương mại với EU

08:16' - 14/01/2019
BNEWS EU và Mỹ có mối quan hệ kinh tế đặc biệt, nếu Washington cố gắng thiết lập các rào cản mới, các nhà máy sản xuất và họat động xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời là quan chức cao cấp tại Quỹ German Marshall ở Brussels, Peter Chase đã đánh giá mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU) -Mỹ trong năm 2019 có thể khá hỗn loạn nếu hai bên bất đồng và tranh chấp trong phát triển ngành công nghiệp xe hơi.

Phóng viên TTXVN tại Bỉ dẫn trả lời phỏng vấn của ông Peter Chase với Tân Hoa Xã bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ tháo ngòi căng thẳng, đặc biệt khi nước Mỹ không được hưởng bất kỳ lợi ích chính trị hay kinh tế nào từ những tranh chấp.

Ông nhấn mạnh EU và Mỹ có mối quan hệ kinh tế đặc biệt dựa trên đầu tư thay vì thương mại ... và nếu Washington cố gắng thiết lập các rào cản mới, các nhà máy sản xuất và họat động xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Khi được hỏi về các kịch bản có thể xảy ra về tranh chấp trong ngành ôtô, ông Chase dự đoán rằng chính quyền Mỹ sẽ công bố một báo cáo kêu gọi bảo vệ nhiều hơn nữa đối với ngành công nghiệp quan trọng này, điều đó sẽ gây nhiều căng thẳng với châu Âu.

Nhưng ông không cho rằng cách tiếp cận đó sẽ bền vững ở Mỹ. Hiện ngành công nghiệp ôtô đang là vấn đề quan trọng trong các tranh chấp thương mại Mỹ - EU. Nhà Trắng đe dọa tăng thuế với ôtô và phụ tùng xe hơi từ châu Âu vì cho rằng thặng dư thương mại của Đức đối với Mỹ là nhờ xuất khẩu ôtô.

Về xung đột thương mại thép và nhôm với Mỹ, ông Chase bày tỏ quan ngại về nguy cơ tất cả các nước - viện cớ an ninh quốc gia - đều tự cho phép mình hành động theo cách riêng, bỏ qua các quy tắc thương mại quốc tế.

Ông nhấn mạnh cách tiếp cận trên là hết sức nguy hiểm và sẽ còn nguy hiểm hơn nữa nếu chính quyền Mỹ lập luận rằng các ngành khác cũng cần được bảo vệ theo cách tương tự. Mọi hành động của Mỹ trong lĩnh vực ôtô và phụ tùng ôtô sẽ tác động trực tiếp đến các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Khi được hỏi liệu các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có bị xuống mức thấp lịch sử hay không, ông Chase đánh giá liên minh xuyên Đại Tây Dương là một liên minh đặc biệt, từng trải qua nhiều thời điểm khó khăn.

Về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và một số nhà lãnh đạo châu Âu, ông Chase nhận định người châu Âu đã rút ra bài học là cần kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình.

Nhà cựu ngoại giao Mỹ bày tỏ không ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng điều này chỉ càng khiến cho các mối quan hệ trở nên căng thẳng./.

>>> Nông nghiệp không nằm trong thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục