Chuyên gia nhận định về đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Ấn Độ, Trung Quốc

21:48' - 31/05/2022
BNEWS Theo Giám đốc điều hành công ty đầu tư Abrdn của Anh, Stephen Bird, thị trường chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc có thể tăng trưởng gấp bốn lần vào năm 2050
Theo Giám đốc điều hành công ty đầu tư Abrdn của Anh, Stephen Bird, thị trường chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc có thể tăng trưởng gấp bốn lần vào năm 2050, khi châu Á từ chỗ tụt hậu vươn lên vị trí dẫn đầu.

 
Ông đánh giá cao sự chuyển mình của nền kinh tế khu vực trong ba thập niên qua, khi có hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi nghèo đói.

Ông cũng nhấn mạnh đóng góp của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng tám lần so với thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo ông, các thị trường vốn cũng phát triển và châu Á từ chỗ gần như là một điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài đã trở thành nơi các nhà đầu tư trong khu vực chiếm ưu thế.

Ông nói thêm rằng ba thập niên tới cũng sẽ sôi động như ba thập niên vừa qua và khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ vững tâm lý trong những giai đoạn biến động, với một tầm nhìn dài hạn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm biến động khi chiến lược "Không COVID" đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và gây ra các nút cổ chai của chuỗi cung ứng, với những tác động đến các thị trường toàn cầu.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs gần đây đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" và ông Bird cũng nhất trí với một tầm nhìn dài hạn rằng các thị trường chứng khoán châu Á có thể từ chỗ tụt hậu trở thành các thị trường dẫn đầu về cả hoạt động và vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông Bird nhận định Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tương ứng trở thành các nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới trong thập niên tới, khi người tiêu dùng của hai nước này sẽ ngày càng có ảnh hưởng đến các xu hướng trên toàn cầu. 

Ông nhận định giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Ấn Độ có thể cũng tăng bốn lần hoặc hơn vào năm 2050.

Trong khi đó, các nước khác trong khu vực như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tiềm năng cao nhất thế giới, trong khi bộ phận dân số già tại Nhật Bản và Hàn Quốc có số tiền tiết kiệm đáng kể cần được sử dụng hiệu quả hơn. Và là một trung tâm tài chính toàn cầu có độ mở nhất của khu vực, Singapore sẽ là tâm điểm.

Tuy nhiên, ông Bird thừa nhận quá trình toàn cầu hóa vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của châu Á có nguy cơ đình trệ và biến đổi khí hậu là thách thức đối với khu vực.

Ông hối thúc các chính phủ ở châu Á tăng độ tin cậy trong các cam kết không phát thải ròng, tạo sự tin tưởng hơn nữa cho các nhà đầu tư trong việc phân bổ nguồn vốn cho khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục