Chuyên gia Nhật Bản: Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn

08:07' - 18/09/2018
BNEWS Theo đánh giá của các nhà đầu tư, nếu tiến hành đầu tư quy mô lớn, chính sách thông thương của Việt Nam sẽ không có sự thay đổi, mà vẫn tiếp tục đi theo hướng tự do hóa.
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: TTTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, phóng viên TTXVN đã có buổi phỏng vấn Giáo sư Ryo Ikebe, Đại học Senshu, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), về quan hệ kinh tế Việt – Nhật.

Nhận định về những thay đổi ấn tượng trong những năm gần đây của kinh tế Việt Nam, Giáo sư Ikebe cho rằng Việt Nam vốn được xem là quốc gia xuất khẩu nông sản với các sản phẩm thế mạnh như gạo, cà phê, chè và xuất khẩu thủy hải sản.

Trong những năm gần đây, danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp với các sản phẩm như điện thoại thông minh, phụ tùng ô tô…

Các sản phẩm xuất khẩu với danh nghĩa quốc gia công nghiệp đang tăng lên, đưa Việt Nam dần gia nhập vào nhóm các quốc gia công nghiệp. Việt Nam đang xuất khẩu với quy mô lớn hàng triệu chiếc điện thoại thông minh.

Từ khía cạnh này, ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng sẽ được thúc đẩy để phát triển mạnh, qua đó sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để trở thành một nước xuất khẩu của thế giới, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, tạo ra môi trường có năng lực cạnh tranh và thông thương.

Nhờ những nỗ lực trên, Việt Nam bắt đầu được đánh giá là một điểm đến đầu tư an toàn. Theo đánh giá của các nhà đầu tư, nếu tiến hành đầu tư quy mô lớn, chính sách thông thương của Việt Nam sẽ không có sự thay đổi, mà vẫn tiếp tục đi theo hướng tự do hóa.

Đề cập đến đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, giáo sư nhận định hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đã bắt đầu tích cực đầu tư vào Việt Nam.

Trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang giảm mạnh, số người cao tuổi tăng lên, số lao động cũng ngày càng thu hẹp và nhu cầu trong nước giảm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản cần tìm thị trường nước ngoài.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trước đây, Việt Nam đóng vai trò là nơi sản xuất với chi phí thấp, song thời gian gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu hướng đến Việt Nam như một thị trường để xuất các loại trái cây cao cấp.

Do vậy, có thể thấy so với 20 năm trước, đầu tư nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam đã có sự thay đổi về hình thức.

Một lĩnh vực nữa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực lắp ráp cũng đang chú ý đến việc đầu tư vào Việt Nam. Trước đó, các tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Nhật Bản như máy in màu, ô tô đã đến Việt Nam để sản xuất phụ tùng, linh kiện.

Đây chính là công nghiệp phụ trợ, có nhiều khâu gia công, do vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tham gia vào các khâu trong quy trình gia công này. Với vai trò trên, việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản tiếp cận Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Giáo sư cho rằng gần đây, quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam có bước tiến chiều sâu.

Đối với quá trình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản, theo Giáo sư Ikebe, hiện nay, Việt Nam là quốc gia có số tu nghiệp sinh cao thứ hai tại Nhật Bản, sau Trung Quốc. Tu nghiệp sinh là cầu nối đóng vai trò trung tâm trong việc trao đổi kỹ thuật giữa hai nước.

Các tu nghiệp sinh được đào tạo tốt về kỹ thuật và công nghệ của Nhật Bản, sau đó trở về ứng dụng những kỹ thuật đã được đào tạo tại Việt Nam.

Giáo sư nhận định kỹ thuật trong các ngành như công nghiệp phụ trợ, hàn, đóng thuyền, đóng hộp thực phẩm, xây dựng, nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam đang cần và có thể nắm bắt thông qua các tu nghiệp sinh. Giáo sư hy vọng hoạt động hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng được phát triển sâu hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục