Chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp để sản xuất vắc xin

16:08' - 11/12/2017
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và chuyển giao vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp dùng để sản xuất vắc xin.
Công bố và chuyển giao giống vi rút lở mồm long móng cho các doanh nghiệp. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Đại diện Chi cục Thú y vùng VI cho hay, sau nhiều giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí khoa học, kỹ thuật theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Chi cục Thú y vùng VI đã chọn ra 3 vi rút có khả năng phát triển thành vắc xin. Từ đó, chọn 1 mẫu vi rút LMLM type O có tên "RAHO6/FMD/O-135, dòng ME- SA/PanAsia" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí kỹ thuật để sản xuất vắc xin theo khuyến cáo của OIE.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định công nhận giống vi rút lở mồm long móng type O với tên gọi "RAHO6/FMD/O-135" thuộc bản quyền của Chi cục Thú y vùng VI trực thuộc Cục Thú y để sản xuất vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại Việt Nam bệnh lở mồm long móng xuất hiện cách đây hơn 100 năm và có 3 type vi rút lưu hành đã và đang gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch bệnh và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Trong khi đó, việc phải nhập khẩu 100% lượng vắc xin, trung bình mỗi năm cần 40-50 triệu liều vắc xin từ ngoài vào với chi phí lên tới 20-30 triệu USD, dẫn đến không chủ động được nguồn cung cấp vắc xin, không chủ động về khoa học công nghệ và giá vắc xin rất cao đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm phòng.

"Đây là lần đầu tiên ngành thú y Việt Nam (gồm cơ quan nhà nước và doanh nghiệp) đã tổ chức nghiên cứu rất công phu, bài bản và cho ra mắt sản phẩm vắc xin lở mồm long móng đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Đây là bước khởi đầu rất đáng khích lệ, xây dựng được năng lực, kinh nghiệm và chủ động khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vắc xin khác dùng trong thú y" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Cục Thú y và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, để sớm nghiên cứu, sản suất và đưa vào sử dụng nhiều loại vắc xin đang còn thiếu cho ngành chăn nuôi hiện nay. Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu áp dụng các khoa học kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại để phục vụ sản xuất vắc xin.

Công ty Thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet cho biết, từ tháng 8/2016 đã xây dựng dây chuyền sản xuất vắc xin lở mồm long móng với công suất thiết kế 20 triệu liều/năm. Đến nay, đã hoàn thiện xong cơ bản nhà xưởng, kho lạnh bảo quản bán thành phẩm... đào tạo nhân sự chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất vắc xin.

Dự kiến, quý 2 năm 2018 sẽ có vắc xin sản xuất ở quy mô công nghiệp và lưu hành.

Công ty RTD là một trong 3 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tham gia thực hiện Đề án "Thí điểm sản xuất vắc xin thương mại sử dụng chủng vi rút lở mồm long móng lưu hành tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020", cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện và ưu tiên đẩy nhanh hơn nữa quá trình kiểm nghiệm, khảo nghiệm và đăng ký lưu hành vắc xin lở mồm long móng; xây dựng cơ chế chính sách để doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào các chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh thông qua cơ chế đặt hàng/hoặc chỉ định thầu, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục