CMC chia sẻ kinh nghiệm vượt khó

10:31' - 10/10/2022
BNEWS Ông Hồ Thành Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC đã có những chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuối tuần qua, ông Hồ Thành Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC đã chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Với bức tranh kinh tế thế giới và những biến động chính trị ảnh hưởng rất nhiều và đặc biệt là các biến động về tiền tệ, về lãi suất, ví dụ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và dự kiến sẽ tăng tiếp, lãnh đạo Tập đoàn CMC đã có những trao đổi để đánh giá tình hình kinh tế thế giới tác động đối với kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp. 

Theo ông Hồ Thành Tùng, đối với Tập đoàn CMC, doanh nghiệp làm việc với các đối tác nước ngoài rất nhiều, hầu hết là các đối tác công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những chính sách biến động về kinh tế, tài chính vừa rồi ảnh hưởng khá lớn, trực tiếp với tập đoàn. Là tập đoàn công nghệ có giao dịch với đối tác nước ngoài, việc tỷ giá biến động ảnh hưởng rất lớn.

“Tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỷ giá và nay tỷ giá thay đổi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Trong ngắn hạn, nếu tỷ giá và lãi suất càng ngày càng cao thì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh”, ông Tùng nhận định.

Theo ông Tùng trong dài hạn, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, khi Việt Nam đưa các bài toán quyết định đầu tư thì các chỉ số liên quan đến lãi suất hay tỷ giá sẽ phải xem xét. “Khi chúng ta đưa ra các chỉ số cao sẽ thấy khả năng đưa ra các quyết định đầu tư khó khăn rất nhiều”,  ông Tùng nhận xét. 

Nói về những khó khăn trong đại dịch COVID-19, ông Hồ Thanh Tùng cho biết, thời gian giãn cách tại Tp. Hồ Chí Minh là một trải nghiệm thực sự rất khó khăn đối với CMC cũng như nhiều doanh nghiệp khác.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là sự an toàn của cán bộ nhân viên. Đã có nhiều trường hợp rất đau lòng trong thời điểm đó. Tập đoàn đã có những chiến lược, kế hoạch để giúp đỡ cho cán bộ công nhân viên ngay trong thời gian khó khăn nhất và trong vùng dịch, ví dụ chương trình hỗ trợ hoặc những chương trình chuẩn bị cho trường hợp dịch có thể bùng phát mạnh hơn cũng như cách mà tập đoàn có thể làm, đối phó”, ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Tùng, Tập đoàn CMC may mắn đã có những quyết định trước, chuẩn bị trước các tình huống để cho khối các dịch vụ. Tập đoàn đã có kế hoạch theo các cấp độ 1 đến cấp độ 4 và nếu doanh nghiệp bị lock-down hoàn toàn thì sẽ có phương án sản xuất như thế nào, hay phương án lock down một phần. Tất cả những chương trình đấy doanh nghiệp đã lên kế hoạch trước, có quy trình đi theo để làm sao trong tất cả các phương án, các hoạt động của tập đoàn vẫn tiếp tục xuyên suốt.

Tập đoàn Công nghệ CMC không chỉ sản xuất kinh doanh mà còn chịu trách nhiệm bảo toàn hệ thống Công nghệ Thông tin Quốc gia. Tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng là khách hàng của CMC đều phải được đảm bảo hệ thống hoạt động. Trong thời điểm mọi người làm việc ở nhà thì CMC có 1/3 cán bộ vẫn phải có giấy phép ra đường, vẫn phải đến các trung tâm dữ liệu để đảm bảo các hệ thống viễn thông cũng như công nghệ thông tin. Bất cứ yêu cầu liên quan đến các hệ thống trục trặc hay công nghệ thông tin của bộ, ngành, Chính phủ hay của ngân hàng, CMC chắc chắn phải cử cán bộ đi xử lý các tình hướng để đảm bảo cho hệ thống an toàn nhất.

Cũng như nhu cầu thời gian đó, toàn bộ hệ thống thông tin phục vụ chống dịch là một trong những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam phải sẵn sàng hỗ trợ.

CMC thậm chí phải lấy máy tính cũ mang ra phòng chống dịch để giúp đỡ, bởi thời điểm đó đứt gãy sản xuất toàn cầu. Việc có hệ thống thông tin, các hệ thống máy mới, các hệ thống routers của các hãng là cực kỳ khó khăn.

Nói về nhu cầu vốn của doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng chia sẻ, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. Bản thân Tập đoàn công nghệ CMC là doanh nghiệp lớn, có hệ thống quản trị tốt, hệ thống tài sản cũng như kế hoạch kinh doanh khá tốt.

CMC thực sự không băn khoăn gì nhiều về làm việc với ngân hàng để lấy dòng vốn. Hiện nay các dự án, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đều được xây dựng và quản trị rất tốt. Đối với ngân hàng sẽ luôn luôn nhìn nhận các tập đoàn công nghệ, công ty lớn như CMC là khách hàng tốt, được ngân hàng chăm sóc.

Nhưng đối với các doanh nghiệp là khách hàng của CMC, doanh nghiệp lại nhìn thấy bài toán khác. Năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch kém hơn rất nhiều nên họ rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Trong thời gian dịch COVID-19, khi CMC làm việc với các khách hàng doanh nghiệp, hầu hết  đang trong tình trạng ngưng trệ sản xuất. Một trong những biến chuyển là họ tập trung vào quản trị doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp và chuyển đổi số. Một số ứng dụng phần mềm đã được đưa vào. Điều ấy giải thích vì sao giai đoạn dịch đi qua, họ bắt kịp và phát triển rất nhanh.

Họ đã dành thời gian đáng nhẽ là mất để tập trung vào phát triển sản xuất, tập trung xây dựng quản trị nội bộ cũng như xây dựng sức mạnh của doanh nghiệp. Đấy là cái được trong thời gian dịch mà nhiều khi chúng ta không nói đến, và đấy cũng là cái được lớn nhất khi chúng ta thoát khỏi “zero COVID”.

Khi doanh nghiệp đã xây dựng nội lực, hệ thống, chương trình thì vốn để phát triển là vấn đề lớn. Chúng ta cũng cần hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguồn vốn. Không những về vốn, khi CMC đi xin một giấy phép nào đó thì quy trình và thủ tục vẫn luôn là bài toán đau đầu nhất, gây “ức chế” rất lớn.

“Khi đó chúng ta cần giải pháp, cần có tư tưởng như chiến binh trong thời gian COVID-19, các bên ngồi với nhau và tìm ra hướng giải quyết và ra kết quả. Cuối cùng sẽ là kết quả chứ chúng ta sẽ không muốn nói đến câu chuyện làm thế này thế kia”, ông Tùng cho hay.

Bàn luận về vấn đề nền kinh tế độc lập tự chủ đồng nghĩa với một lực lượng doanh nghiệp Việt Nam mạnh, với nền tảng đạo đức, văn hoá doanh nghiệp cao, ông Hồ Thanh Tùng khẳng định: “CMC luôn thấm đẫm tinh thần tự chủ, cả lúc lên lẫn lúc xuống, phải có những phương án ứng phó khi khó khăn để tìm ra “con đường sáng”. Chúng ta phải xác định xây dựng để phát triển và tồn tại 50 hay 100 năm. Nếu chỉ tư duy 10 hoặc 20 năm thì cũng chỉ loanh quanh như vậy.

Liên quan đến toàn cầu hoá thì các doanh nghiệp Việt Nam cần khẳng định hai vị thế. Doanh nghiệp cần thành công ở chính thị trường trong nước, đồng thời xác lập vị thế trên cả thị trường quốc tế, bởi vì doanh nghiệp giờ đây cũng tham gia cạnh tranh trực tiếp ở cả 2 thị trường, ông Tùng nêu quan điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục