Có cơ chế thích hợp tạo sức hút đầu tư vào lưới điện truyền tải

17:12' - 05/09/2022
BNEWS Tại tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải" chiều 5/9, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế thích hợp để tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực này.
Thông qua các chính sách, Chính phủ Việt Nam cho phép thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển… Tuy nhiên, đến nay sự đầu tư của khối tư nhân vào hệ thống lưới điện vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải" do Báo Nhân dân tổ chức chiều ngày 5/9, nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế thích hợp để tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực này.

 
Tại dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đánh giá, việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp với phân bổ và phát triển phụ tải, làm mất cân bằng cung - cầu từng miền và gây sức ép lên truyền tải từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc.

Cùng đó, là xu hướng chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn điện tái tạo bất định là gió và mặt trời khiến tỷ trọng cao các nguồn điện này. Từ đó, gây ra nhiều khó khăn trong vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện.

 

Trao đổi tại tọa đàm, ông Đỗ Đức Hùng, Trưởng ban Kế hoạch - Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, hiện phần lớn cơ sở hạ tầng hệ thống điện truyền tải do tổng công ty quản lý vận hành, bao gồm: 178 trạm biến áp với tổng dung lượng gần 112.000 MVA, hơn 28,600 km đường dây.

Về các dự án lưới điện trọng điểm, dù nhiều vướng mắc, nhưng EVNNPT cũng đưa vào nhiều dự án như: đường dây 500 kV mạch 3 từ Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2, tăng cường khả năng truyền tải lưới điện trong thời gian qua và sắp tới; các công trình giả tỏa công suất nhà máy thủy điện Lai Châu, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn, Hải Dương, Sông Hậu.

Đặc biệt, khi các nguồn năng lượng tái tạo đưa vào lớn, EVNNPT đã nỗ lực đưa vào các công trình giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Cùng đó, là các dự án đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn, trung tâm phụ tải, các khu kinh tế trọng điểm.

Với nhu cầu đầu tư tới 2030 và tầm nhìn đến 2045, căn cứ theo Quy hoạch Điện VIII nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải là rất lớn để phát triển đất nước. Theo đó, trong 10 năm từ 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện hơn 335.000 tỷ đồng, tương đương 1 năm khoảng 35.000 tỷ đồng/năm.

Ông Đỗ Đức Hùng cho hay, về chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị, nhà nước thì hiện nay đã cho phép thu hút nguồn lực xã hội đầu tư. Từ đó, góp phần chia sẻ và giảm bớt sức ép của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT trong huy động vốn để xây dựng, vận hành lưới điện. Nhưng đến nay, vấn đề này vẫn còn vướng mắc.

Đơn cử như: dù luật đã được sửa đổi nhưng còn thiếu một số văn bản quy định dưới luật, quy định hướng dẫn cụ thể, phạm vi đầu tư giữa chủ đầu tư nhà nước với chủ đầu tư tư nhân; chưa có cơ chế giá với các chủ đầu tư, nên các đơn vị vẫn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xã hội hóa đầu tư truyền tải. Việc chưa xác định đước tiêu chí đầu tư dẫn đến chậm triển khai các dự án lưới điện cho các năm sắp tới, nhất là các dự án phải đưa vào sau 2025-2030.

Một điểm nữa được các chuyên gia đưa ra là giá truyền tải vẫn còn thấp, chưa tạo lực hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Theo chia sẻ của bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), từ 2019 đến nay, xuất hiện nhiều công trình lưới điện do tư nhân đầu tư và tự quản lý vận hành. Từ nay đến 2045, sẽ có 85% khối lượng lưới truyền tải do nhà nước đầu tư và 15% do tư nhân đầu tư.

"Qua tính toán giá bán lẻ điện và giá truyền tải điện cho thấy, chi phí truyền tải được tính theo năm, lúc lên lúc xuống và phụ thuộc nhiều vào sản lượng điện hàng năm, nhưng càng những năm gần đây, sản lượng cao thì giá truyền tải càng thấp đi. So với các quốc gia khác, chi phí này ở Việt Nam chỉ vào khoảng 4,6%, nhưng ở Australia là 45%, ở Đức 25% và ở Anh vào khoảng 25,16%. Do đó cần xem xét lại chi phí truyền tải của chúng ta so với giá điện ở Việt Nam đã hợp lý chưa", bà Ngô Thị Tố Nhiên nói.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Mai Anh, chuyên gia kinh tế lượng, Trường Đại học Bách Khoa cho rằng, để cơ cấu nguồn vốn khả thi hơn trong xây dựng đường dây truyền tải, vốn tự có 20%, vốn vay quốc tế 50%, vốn vay thương mại trong nước 10% và tỷ trọng vốn tư nhân 20%. Song để đảm bảo thu hút vốn tư nhân tham gia vào thì mức giá truyền tải cần phải tăng lên ở mức từ 23 - 30% nhằm  đảm bảo khả thi với tất cả các đơn vị tham gia dự án.

Từ đó, bà Nguyễn Mai Anh khuyến nghị, để tiếp cận vốn, EVNNPT cần cập nhật thông tin liên quan đến dự án, tính khả thi dự án. Đồng thời, chủ động tìm kiếm nguồn vốn mới cho các dự án; tập trung tăng mức xếp hạng và hạn mức tín dụng để tạo đà cho việc vay vốn.

Với các cơ quan quản lý thì nghiên cứu để có được giá truyền tải hợp lý, ở nhiều nước, họ tính giá truyền tải như một cấu phần trong giá điện. Do vậy, giá điện cần phù hợp và đảm bảo phản ánh đúng cơ cấu chi phí của giá truyền tải. Như vậy mới tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư đối với các nhà đầu tư mới, tiềm năng trong lĩnh vực truyền tải.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, theo đại diện EVN, giá truyền tải hiện nay ở Việt Nam thấp, bởi  EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị được nhà nước giao và có những năm lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là bằng 0. Nhưng nếu tư nhân vào làm thì họ không chấp nhận và đó cũng là nguyên nhân khiến thu hút đầu tư còn kém trong thời gian qua. 

Chia sẻ của ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, giá truyền tải ở Việt Nam hiện nay năm 2022 chỉ khoảng 75 đồng - hơn 100 đồng/kWh, rất thấp so với các nước. Do vậy, việc thu hút đầu tư tư nhân vào lưới truyền tải là khó khăn. Với Luật Đầu tư mới thì các chủ đầu tư phải thông qua cơ chế đấu thầu, đây cũng là điểm rất khó vì đấu thầu bao gồm cả năng lực, giá, theo vùng miền khác nhau, chi phí đầu tư khác nhau…

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá truyền tải là không dễ. Cùng đó, chính sách quyết định tăng giá để thu hút đầu tư phải nhất quán để nhà đầu tư tính toán, đó là một chặng đường dài.

Cùng với vướng mắc về yếu tố giá, các ý kiến cũng nhận định, việc tư nhân tham gia vào lưới điện có điểm mạnh là giảm gánh nặng ngân sách và dòng vốn của EVN, linh hoạt chủ động và rút ngắn thời gian…Nhưng sẽ có khả năng thiếu nhân lực trình độ và kinh nghiệm.

Quan trọng hơn là làm sao có cơ chế đấu thầu minh bạch, nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng lưới truyền tải; phạm vi đầu tư ra sao (đường dây, trạm biến áp, trên trục chính hay ở các vị trí nào); việc tách bạch chi phí lưới truyền tải…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục