Cơ hội cho ngành thực phẩm và đồ uống từ xuất khẩu trực tuyến

11:14' - 20/11/2021
BNEWS Giao thương trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, chiếm 9% tổng giá trị giao dịch toàn cầu.

Trên Alibaba.com,  hoạt động B2B đã chuyển lên môi trường trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với các sản phẩm F&B trên nền tảng vào năm 2021 đã tăng vọt lên 40% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, nguồn cung hiện tại đang không đủ để đáp ứng nhu cầu, với tỷ lệ người mua so với người bán của ngành F&B ở mức 15:1. Điều này mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp F&B Việt Nam, đặc biệt đối với 30 triệu người mua đang đăng ký hiện nay trên Alibaba.com.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương  và Alibaba.com - nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) thuộc Tập đoàn Alibaba, vừa qua đã đồng tổ chức “It’s my time - Hội thảo xuất khẩu trực tuyến ngành F&B Việt Nam” với tham dự của gần 10 nghìn người đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên toàn quốc.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, “Trong năm 2021 Cục Xúc tiến thương mại và Alibaba.com đã triển khai hơn 20 hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực TMĐT xuyên biên giới cho hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam. Cục Xúc Tiến thương mại đánh giá cao những giải pháp xúc tiến xuất khẩu, và ứng dụng công nghệ thông tin mà các đối tác công nghệ của Cục xúc tiến thương mại đã và đang đồng hành cùng với Cục, trong đó có sàn TMĐT Alibaba.com, tập trung vào thực chất và hiệu quả cho các doanh nghiệp”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Stephen Kuo, Tổng Giám đốc Alibaba.com Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Không chỉ khách hàng cuối mà cả các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, đang tìm nguồn cung ứng F&B  với chất lượng cao, và giá cả phù hợp từ các nhà cung cấp trên khắp thế giới. Đặc biệt, xuất xứ quốc gia là yếu tố đầu tiên mà người mua cân nhắc và ưu tiên. Các nhà cung cấp sản phẩm F&B của Việt Nam có vị thế nhất định trên Alibaba.com và mức độ phổ biến trên toàn cầu, điều này khiến người mua trên thế giới có xu hướng tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam.”

Vào tháng 10, Alibaba.com đã khai trương gian hàng F&B chuyên biệt với nhiều hỗ trợ về công nghệ. Các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội tham gia các triển lãm F&B trực tuyến hàng năm, triển lãm thương mại theo mùa, triển lãm thương mại dành cho người mua… 

Bà Đoàn Trần Thùy Linh, người sáng lập công ty CP SX&TM Kim Cương Xanh –  nhà cung cấp cà phê, chia sẻ: “COVID-19 đã làm gián đoạn quá trình cung cấp cà phê của chúng tôi, khiến chúng tôi bị ngưng trệ. Nhờ mảng kinh doanh trực tuyến, chúng tôi mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Chúng tôi đã phải học cách thức xuất khẩu trực tuyến khi nhận thấy sản phẩm do các website TMĐT phân phối không bị giới hạn về thời gian và không gian. Giờ đây, chúng tôi đã mở rộng thị trường không chỉ ở châu Á mà còn sang cả châu Âu”.

Alibaba.com tiếp cận người mua từ 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ hiện là thị trường mua lớn nhất của cả nền tảng Alibaba nói chung và của các nhà cung cấp Việt Nam nói riêng. Tiếp theo là Brazil và Canada ở Châu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh ở Châu Âu. Trong quý I năm nay, số lượng người mua trên nền tảng đã tăng 69% và người mua phát sinh giao dịch tăng 147%./.

>>> Xuất khẩu trực tuyến sang EU cần chiến lược dài hơi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục