Cơ hội lan toả các mô hình kinh doanh của hợp tác xã

10:53' - 01/07/2021
BNEWS Ngày Quốc tế Hợp tác xã cũng sẽ là cơ hội để lan tỏa mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm, được duy trì bền vững bởi các giá trị hợp tác xã
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, Ngày Quốc tế Hợp tác xã năm nay (COOPSDAY) sẽ được tổ chức vào ngày 3/7/2021 (Thứ bảy đầu tiên của tháng 7 hàng năm). Đây là dịp để các hợp tác xã trên toàn thế giới sẽ minh chứng đang đối mặt với khủng hoảng đại dịch COVID-19 bằng sự đoàn kết, sự kiên cường và hỗ trợ phục hồi cộng đồng lấy con người làm trọng tâm và môi trường công bằng.

Ông Bruno Roelants, Tổng giám đốc của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) đã tuyên bố: “Vào năm 2020, chúng ta đã chứng kiến cách mà mô hình hợp tác xã đã và đang hoạt động vì sự thịnh vượng của người dân và sự tôn trọng vì hành tinh này như thế nào, nhấn mạnh ý nghĩa của phong trào hợp tác xã. Tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ được nghe nhiều câu chuyện về phong trào hợp tác xã hỗ trợ cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn như thế nào trong một thế giới hậu đại dịch COVID-19”.

Trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, sản xuất, bán lẻ, tài chính, nhà ở, việc làm, giáo dục, dịch vụ xã hội và ở nhiều lĩnh vực khác nữa, hơn 1 tỷ thành viên hợp tác xã trên toàn thế giới tiếp tục minh chứng rằng, không có ai phải đơn độc đối mặt cuộc khủng hoảng như đại dịch lần này.
Ngày Quốc tế Hợp tác xã cũng sẽ là cơ hội để lan tỏa mô hình kinh doanh lấy con người làm trung tâm, được duy trì bền vững bởi các giá trị hợp tác xã gồm: tự lực, đoàn kết, các giá trị đạo đức về trách nhiệm xã hội và quan tâm đến cộng đồng; có thể giảm sự bất bình đẳng, tạo ra sự thịnh vượng chung và ứng phó kịp thời các tác động của COVID-19.
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Hợp tác xã năm nay sẽ là lần thứ 27 của Liên Hợp quốc và lần thứ 99 của ICA. Mục đích của Ngày Quốc tế Hợp tác xã là nâng cao nhận thức về hợp tác xã và thúc đẩy các ý tưởng của phong trào hợp tác xã về đoàn kết quốc tế, hiệu quả kinh tế, bình đẳng và hòa bình thế giới. Kể từ năm 1995, ICA và Liên hợp quốc thông qua Ủy ban Hỗ trợ và Phát triển Hợp tác xã (COPAC) đã cùng nhau đặt tên chủ đề cho Ngày Quốc tế Hợp tác xã.
Thông qua Ngày Quốc tế Hợp tác xã, các nhà hoạch định chính tại địa phương, trong nước và quốc tế, các tổ chức xã hội khác và người dân nói chung có thể biết đến những đóng góp của các hợp tác xã vì một tương lai công bằng cho tất cả mọi người,

ICA là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1895 để phát triển mô hình HTX – một doanh nghiệp xã hội. ICA là tiếng nói của hợp tác xã trên toàn thế giới, đại diện cho hơn 310 Liên minh Hợp tác xã và Tổ chức Hợp tác xã tại 110 quốc gia. Cùng với đó, 12% dân số trên thế giới là thành viên hợp tác xã. Vì vậy, thông qua các tổ chức thành viên, ICA đại diện cho hơn 1 tỷ thành viên từ 3 triệu hợp tác xã trên thế giới.

Đáng lưu ý, 300 hợp tác xã lớn nhất trên thế giới có doanh thu hàng năm đạt 2,16 nghìn tỷ USD (2016) và tạo ra 280 triệu việc làm nhằm đảm bảo cuộc sống của họ trong các hợp tác xã thông qua việc làm trực tiếp hoặc tự họ tổ chức thông qua hợp tác xã.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã dần trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững, xu hướng phát triển các hợp tác xã quy mô lớn, liên hiệp hợp tác xã; liên kết chuỗi giá trị sẽ diễn ra mạnh mẽ. Từ thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cường nguồn lực cho hợp tác xã phát triển theo quy hoạch là rất cần thiết.
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới 641 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã, 1.300 tổ hợp tác, đạt 42,7% kế hoạch năm 2021. Đến cuối tháng 5/2021, cả nước có 25.667 hợp tác xã, tăng 1.156 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2020, thu hút 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động.
Hiện cả nước có hơn 3.000 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp, thu nhập của thành viên tăng 36%. Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%. Từ đó, đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, đóng góp trên 30% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã còn tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời, là "hạt nhân" quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục