Cơ hội nào cho các công ty nước ngoài tại thị trường Trung Quốc?

06:00' - 26/07/2024
BNEWS Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với sức ép giảm phát. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của các công ty nước ngoài về triển vọng kinh doanh của họ trong môi trường kinh tế vĩ mô suy giảm.
Để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã thông qua nghị quyết tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX vừa qua nhằm “nắm bắt những tầm nhìn rộng hơn thông qua cải cách và mở cửa hơn nữa”. Điều này không có gì bất ngờ vì nhu cầu cấp thiết của Trung Quốc về công nghệ tiên tiến, lao động lành nghề, vốn nước ngoài và chuyên môn quản lý.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước này, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, đang phải đối mặt với sức ép giảm phát, như đã thấy qua các chỉ số chính như chỉ số giá của nhà sản xuất và chỉ số nhà quản trị mua hàng trong ngành sản xuất. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của các công ty nước ngoài về triển vọng kinh doanh của họ trong môi trường kinh tế vĩ mô suy giảm.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng việc ổn định nền kinh tế là rất quan trọng để thu hút các công ty nước ngoài. Nhiều tháng trước khi diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu triển khai một loạt chính sách tiền tệ, tài chính và công nghiệp, bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản và lãi suất thế chấp kỳ hạn 5 năm, cũng như trợ cấp đáng kể cho các lĩnh vực hứa hẹn sẽ trở thành “lực lượng sản xuất mới có chất lượng”.

Chính phủ nước này cũng đã tăng cường sự giám sát đối với các ngành công nghiệp trong khi nỗ lực giảm thiểu nợ của chính quyền địa phương và doanh nghiệp khi phát hành “trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn” và trái phiếu tái cấp vốn. Mặc dù những sáng kiến này khó có thể giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản của Trung Quốc, nhưng báo hiệu cho các doanh nghiệp nước ngoài rằng một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống hiện khó có thể xảy ra và có những cơ hội mới trong các lĩnh vực công nghiệp.

Trung Quốc đang nhấn mạnh đến sự chắc chắn về việc nền kinh tế nước này sẽ mở cửa hơn nữa trước những bất ổn của môi trường trong và ngoài nước. Việc nước này đang thực hiện 24 biện pháp để ổn định đầu tư nước ngoài cho thấy cam kết này.

Đáng chú ý, ngày càng có thêm các chính quyền địa phương, bao gồm cả Trùng Khánh và Hải Nam, gần đây đã công bố kế hoạch ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử và mời những công ty nước ngoài tham gia xây dựng và sửa đổi các tiêu chuẩn ngành.

Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc cuộc họp chính sách trong bối cảnh những yếu tố không chắc chắn ngày càng tăng. Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “mở rộng đều đặn việc mở cửa về thể chế” và “không ngừng khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn sự phát triển của khu vực ngoài công lập”.

Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ rút ngắn danh sách cấm đối với đầu tư nước ngoài, đơn giản hóa quy trình phê duyệt và dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực và thành phố hơn. Điều này cho thấy một môi trường thuận lợi hơn, cho phép những doanh nghiệp nước ngoài có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến và giải pháp đổi mới của họ.

Cho dù đó là phần cứng và phần mềm vận hành và bảo trì tiên tiến để phát điện, các công nghệ ít phát thải carbon, các vật liệu như màng trao đổi proton cho pin nhiên liệu, thang máy thông minh với việc phân tích dữ liệu lớn, những phương pháp điều trị y tế đột phá như các loại thuốc chuyên biệt trong nhi khoa, hoặc nghiên cứu và phát triển tế bào gốc và gen, chuyên môn nước ngoài vẫn có vai trò đáng kể ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh một số rủi ro, chi phí lao động tăng chủ yếu do sự phát triển công nghiệp càng làm phức tạp thêm tình hình. Mức lương trung bình hàng năm của công nhân sản xuất dự kiến sẽ đạt 102.000 nhân dân tệ (14.030 USD) trong năm nay. Điều này đã thúc đẩy một cuộc di cư của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp hơn đến những nơi sinh lời hơn như ở Mexico, Ấn Độ.

 
Cùng với những thách thức này, chính sách phát triển công nghiệp của Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng mạnh sản lượng. Chẳng hạn, doanh số bán xe điện (EV) đã tăng hơn 30% trong 5 tháng đầu năm ở Trung Quốc và đến cuối năm, có thể vượt 10 triệu chiếc. Các công ty Trung Quốc buộc phải giảm giá mạnh, siết chặt lợi nhuận và khiến thị trường trở nên khó khăn hơn đối với các đối thủ nước ngoài.

Xung đột thương mại đang leo thang khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và khi nguồn cung dư thừa trong lúc nhu cầu nội địa yếu của Trung Quốc đã dẫn đến khối lượng xuất khẩu khổng lồ. Điều này đã khiến Liên minh châu Âu và Mỹ áp thuế đối với EV và các sản phẩm năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc. Những "cuộc chiến" thuế quan như vậy gây ra rủi ro đáng kể cho các công ty nước ngoài, bao gồm những gián đoạn hoạt động, doanh thu giảm và chi phí tăng khi tìm kiếm thị trường thay thế.

Để phát triển mạnh, chiến lược tối ưu cho các công ty nước ngoài là tiếp tục đổi mới, tạo sự khác biệt cho sản phẩm và bảo vệ thương hiệu cũng như đảm bảo chất lượng vượt trội để tránh các cuộc đua giá cả khốc liệt. Phối hợp hiệu quả với cả chính quyền trung ương và địa phương, hợp tác với những công ty địa phương và tuyển dụng các chuyên gia trong nước một cách chiến lược là điều bắt buộc để thích ứng với bối cảnh pháp lý của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nên sử dụng những phòng thương mại nước ngoài ở Trung Quốc để duy trì liên lạc với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, ủng hộ các cơ chế minh bạch và công bằng hơn, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh tối ưu hơn.

Thời đại kiếm tiền dễ dàng ở Trung Quốc đã kết thúc. Các công ty nước ngoài phải linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh chiến lược của mình cho phù hợp với các chính sách và bối cảnh kinh doanh năng động của Trung Quốc để đảm bảo có thể tìm kiếm các cơ hội mới và có chỗ đứng tại thị trường quan trọng này, trong khi giảm thiểu rủi ro.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục