Nhà Trắng và Fed: Cuộc đọ sức định hình lại trật tự tài khoá Mỹ

06:30' - 01/07/2025
BNEWS Trong hàng loạt phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì từ chối hạ lãi suất.

Trong bối cảnh chính sách tài khóa của Mỹ đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn, Tổng thống Donald Trump đã gia tăng sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hành động vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý truyền thống, nhằm hỗ trợ kiểm soát nợ công.

Trong hàng loạt phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì từ chối hạ lãi suất. Tổng thống nhấn mạnh rằng ông Powell nên đồng hành cùng chính phủ trong việc quản lý chi phí lãi vay của khoản nợ quốc gia, hiện đã vượt mốc 36.000 tỷ USD.

Ông Trump đã nhiều lần công khai thúc giục Fed cắt giảm lãi suất, trong cả nhiệm kỳ tổng thống lần thứ nhất và sau khi trở lại Nhà Trắng lần thứ hai, nhưng gần đây ông mới bắt đầu liên hệ trực tiếp yêu cầu này với tình hình tài chính đang xấu đi của đất nước.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp và là Giám đốc về chính sách tiền tệ tại Trung tâm Mercatus, David Beckworth, nói: “Chúng ta bắt đầu chứng kiến những tín hiệu cảnh báo sớm về việc Fed sẽ ngày càng bị chính phủ kêu gọi hỗ trợ duy trì khả năng thanh toán quốc gia”.

Việc Tổng thống Trump gia tăng sức ép lên Chủ tịch Fed về vấn đề nợ công diễn ra vào lúc ông và đảng Cộng hòa đang nỗ lực thúc đẩy một dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn – động thái sẽ làm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD vào khoản nợ liên bang.

Các nhà lập pháp trong đảng Cộng hòa đang cố gắng tìm kiếm tiếng nói chung về dự luật mà ông Trump gọi là “to lớn và đẹp đẽ” [One Big, Beautiful Bill Act]. Nội dung của dự luật bao gồm việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế năm 2017; các biện pháp cắt giảm thuế bổ sung được ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2024; đồng thời đi kèm đề xuất cắt giảm mạnh chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội.

Theo các nghị sĩ đảng Cộng hòa, đây là giải pháp cho bài toán tài khóa của nước Mỹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy nếu được thông qua, dự luật rất có khả năng khiến nợ công tăng thêm từ 2.000 tỷ đến gần 4.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ của đảng Cộng hoà để thông qua việc nâng trần nợ công, trước thời điểm Bộ Tài chính Mỹ cạn công cụ xử lý nguy cơ vỡ nợ – dự kiến có thể rơi vào tháng 8/2025. 

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lập luận rằng các ước tính hiện tại chưa tính đến sức tăng trưởng kinh tế được giải phóng nhờ thuế suất thấp – điều mà họ cho rằng sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách về lâu dài.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), kể cả khi tính đến tác động của biện pháp giảm thuế đối với tăng trưởng kinh tế, dự luật vẫn sẽ khiến nợ công tăng thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. “Vấn đề cốt lõi là cả Quốc hội và Tổng thống đều chưa kiểm soát được thâm hụt ngân sách”, ông Beckworth nhận định.

Nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy Fed vào vai trò quản lý nợ được đánh giá là một bước đột phá lớn trong chính sách kinh tế của Chính phủ Mỹ trong hơn 70 năm qua. Trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai, Fed đã nhượng bộ trước áp lực từ các chính phủ cầm quyền để giữ lãi suất thấp và giảm bớt gánh nặng nợ. Tình trạng này kéo dài đến năm 1951, khi Fed và Bộ Tài chính đạt được một “thỏa thuận”, tạo tiền đề để quản lý kinh tế trong bảy thập kỷ tiếp theo.

Mục tiêu của ‘thỏa thuận’ năm 1951 là để Bộ Tài chính tự quản lý nợ công thay vì trông đợi Fed "tiền tệ hoá", bà Sarah Binder, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington và đồng tác giả cuốn “Huyền thoại về sự độc lập: Quốc hội điều hành Fed như thế nào”, cho biết.

Kể từ đó, Fed chỉ tập trung vào nhiệm vụ kép là cân bằng giữa lạm phát và thất nghiệp [tức ổn định giá cả và tạo thị trường lao động mạnh mẽ], tránh mọi hành động có thể bị xem là tài trợ nợ công. Và ngay cả khi một số tổng thống từng gây sức ép để Fed duy trì lãi suất thấp kể từ năm 1951, không ai thực hiện một động thái chính thức nào để hạn chế thẩm quyền pháp lý của Fed đối với chính sách tiền tệ.

“Theo hầu hết các khái niệm về chính sách tiền tệ độc lập, ngân hàng trung ương không nên "tiền tệ hoá’ nợ, tức không được đưa nhu cầu tài chính của chính phủ vào tiến trình thực hiện các nhiệm vụ của mình”, bà Binder nhấn mạnh. “Quốc hội không trao thêm cho Fed nhiệm vụ giúp Bộ Tài chính dễ dàng hơn trong việc tài trợ cho khoản nợ của mình", bà nói.

Tuy nhiên, theo cảnh báo từ chuyên gia Beckworth, Tổng thống Trump có thể đang đặt nền móng cho một sự thay đổi hướng tới chế độ “thống trị tài chính”.“Khi đó, Fed sẽ bị buộc phải can thiệp để xử lý hỗn loạn tài khóa, và từ bỏ nghĩa vụ pháp lý là giữ giá cả ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp”, ông nói.

“Có thể chúng ta chưa đến mức đó, nhưng đang tiến gần rồi”, ông Beckworth nói.

Trước cuộc họp ngày 18/6 của Fed, ông Trump tiếp tục than phiền về việc không thể thuyết phục ông Powell giảm lãi suất. Sau cuộc họp, ông Powell từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến những chỉ trích của ông Trump, cũng như tác động tiềm tàng của nợ đối với chương trình nghị sự của Tổng thống. Tuy vậy, ông tiếp tục kêu gọi Nhà Trắng và Quốc hội đưa tài chính quốc gia vào quỹ đạo bền vững.

Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell sẽ kết thúc vào năm 2026. Bất kỳ ai mà Tổng thống Trump đề cử để kế nhiệm ông Powell nhiều khả năng sẽ có quan điểm tương đồng với Tổng thống.

Nhưng ông Powell chỉ là một trong 12 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định chính sách lãi suất. Tất cả các thành viên FOMC đều đã biểu quyết nhất trí giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 18/6.  Nhưng "ngay cả khi loại bỏ ông Powell, thì vẫn cần tái cấu trúc toàn bộ FOMC....."  ông Beckworth  bình luận.

Ngoài ra, ông Powell vẫn có thể chọn tiếp tục đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Thống đốc Fed đến năm 2028. Và ông Powell chưa bác bỏ khả năng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục