Là doanh nghiệp kinh doanh tiền, huy động tiền qua các sản phẩm bảo hiểm…, động thái của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất thời gian qua được giới phân tích nhận định sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm hưởng lợi thời gian tới.
Ngay trong quý IV, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành và áp dụng từ ngày 25/10. Như vậy, chỉ trong hai lần điều chỉnh trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm 2014. Trong điều kiện lãi suất này, doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi khi tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn cao.
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ghi nhận, tính đến hết 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.
Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Xuân Việt thông tin, năm 2022, thị trường bảo hiểm đã có 78 doanh nghiệp bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp nhân thọ, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Bảo hiểm là ngành có tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, do đó chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường. Theo nhiều dự báo mức tăng trưởng GDP cho năm 2022 có thể đạt khoảng 8%, từ đó góp phần giúp gia tăng nhu cầu cho sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản cho dự án đầu tư công, bảo hiểm hàng hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy nổ cho dự án xây dựng…
Bên cạnh yếu tố thuận lợi như tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, việc Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng được đánh giá là yếu tố khiến nhu cầu bảo hiểm tăng.
Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, định hướng phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 – 3,5% GDP.
Mặt khác, thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi hiện chỉ có khoảng 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia khoảng 50%, Singapore 80% và Mỹ 90%.
Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm Ngô Việt Trung cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 có nhiều thay đổi so với Luật Kinh doanh bảo hiểm trước đây phù hợp hơn với xu thế phát triển của thị trường và tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là nền tảng pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới.
Nhờ đó, doanh nghiệp bảo hiểm trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với các đối tác là tổ chức kinh doanh bảo hiểm nước ngoài có uy tín, có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính mạnh, từ đó tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ kinh doanh.
Hiện doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đầu tư chuyển đổi số, cải thiện chất lượng dịch vụ và gia tăng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Như Bảo hiểm Bảo Việt ra mắt nhiều sản phẩm bảo hiểm số như bảo hiểm du lịch, bảo hiểm thiết bị điện tử.. Bảo Việt cũng cung cấp ứng dụng giám định bồi thường số E-Claim, Baoviet Direct.. để giúp khách hàng tra cứu thông tin, giao dịch trực tiếp, trả lời tự động.
Song song đó, công ty bảo hiểm dần đa dạng hoá sản phẩm và kênh phân phối khi hợp tác với ngân hàng để phân phối bảo hiểm (bancassurance). Hay thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) đang trở nên phổ biến. Sự hợp tác với doanh nghiệp công nghệ bảo hiểm (insurtech) cũng giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường khả năng phân tích dữ liệu lớn, hướng tới tệp khách hàng và sản phẩm phong phú.
Tuy vậy, nhóm chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán SBS nhận định, về dài hạn, doanh nghiệp bảo hiểm còn đó những thách thức như việc cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt hay lạm phát có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành bảo hiểm thông qua các kênh như yêu cầu bồi thường, chi phí, thu nhập đầu tư và bảng cân đối kế toán.
Đóng cửa phiên cuối tuần (23/12), cổ phiếu BMI của Tổng công ty Bảo Minh có giá 21.500 đồng, PTI của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện có giá 46.500 đồng, PGI của Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex có giá 25.600 đồng, BVH của Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt có giá 47.900 đồng, MIG của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội có giá 15.600 đồng./.