Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội tham gia Dự án cao tốc Bắc - Nam? (Bài 2)

18:04' - 16/08/2019
BNEWS Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, đặc biệt quan trọng của quốc gia đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có năng lực thực sự.
11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 118.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Huy Hùng – TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, trường hợp doanh nghiệp trong nước muốn tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam không đáp ứng điều kiện về tài chính thì giải pháp duy nhất là liên kết với một vài doanh nghiệp trong nước khác.

Cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn, đặc biệt quan trọng của quốc gia đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải có năng lực thực sự.

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng để thực hiện một dự án lớn luôn đòi hỏi một nguồn lực kinh nghiệm, tài chính tương xứng - điều này không thể phản đối được.

Vì vậy, nhà đầu tư trong nước nếu năng lực chưa đủ mạnh cần liên danh với nhau để cùng đấu thầu, cùng tham gia.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, năng lực tài chính của doanh nghiệp thua kém nhiều so với thế giới.

Vì vậy, hồ sơ mời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phải hài hòa giữa các yêu cầu về năng lực theo chuẩn chung quốc tế và phù hợp với tình hình thực tế nhà đầu tư trong nước.

“Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể đưa ra yêu cầu cấm tham gia với những nhà đầu tư nào đã thực hiện dự án hạ tầng tại Việt Nam làm đội vốn, thất thoát, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế”, TS Nguyễn Việt Hùng cho hay.

Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) nhận xét, nhiều nhà đầu tư lớn không mặn mà với các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam vì việc thu hồi vốn chủ sở hữu rất khó khăn.

Nhà đầu tư BOT bỏ ra nhiều vốn trong khi thời gian hoàn vốn dự án kéo dài, thông thường từ 15 - 28 năm.

Ví dụ như Vingroup hay Sungroup đầu tư các dự án giao thông tại Quảng Ninh, Hải Phòng vì tại đây các nhà đầu tư tham gia đã tính toán đến lợi ích tổng thể như bất động sản, hoạt động du lịch... mang lại, còn nếu chỉ tính việc đầu tư thu hồi vốn từ tiền thu phí thì có nhiều rủi ro từ các yếu tố lưu lượng xe, doanh thu bị sụt giảm…

Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP - Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP phải đấu thầu quốc tế nên các tiêu chí tuyển chọn nhà đầu tư đều được xây dựng công khai, bình đẳng đối với tất cả các nhà đầu tư, không có tiêu chí nào có lợi hay hạn chế nhà đầu tư của nước này, nước kia.

“Xét về những tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, các nhà đầu tư trong nước còn có lợi thế hơn khi có nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ, am hiểu dự án, thị trường và trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Hơn nữa, tại Điều 5, Luật Đấu thầu nêu rõ, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các gói thầu ở Việt Nam phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ ở Việt Nam.

Do vậy, để phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa quy định của Điều 5, Luật Đấu thầu vào hồ sơ mời thầu để bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi trúng thầu phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ của Việt Nam thi công.

“Ngoài ra, khi đấu thầu quốc tế, nếu nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu sẽ phải huy động nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam đầu tư, còn các nhà thầu thi công sẽ là của Việt Nam, từ đó tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp trong nước”, đại diện Vụ PPP chia sẻ.

Cũng theo đại diện Vụ PPP, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thuê hai đơn vị tư vấn giao dịch quốc tế là Deloitte và Ernst & Young tham gia hỗ trợ.

Đây là các tư vấn có năng lực và kinh nghiệm hàng đầu thế giới, đã từng làm việc với rất nhiều nhà đầu tư quốc tế để cùng với Bộ Giao thông Vận tải đưa ra những quy định nhằm quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng đội vốn, chậm tiến độ có thể xảy ra.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, trả lời về dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đã được xác định những đoạn ưu tiên để thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2021 khoảng 654 km, chia 8 dự án thành phần.

“Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các tiêu chí và đánh giá rất kỹ dự án thành phần. Bởi cao tốc Bắc - Nam đã xác định sẽ thu phí theo hình thức đối tác công tư, mọi yếu tố như tính hiệu quả của dự án, tính kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu, những trung tâm kinh tế, chính trị dọc tuyến… đều phải được xem xét, tính toán kỹ”, Thứ trưởng Đông cho biết.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2018 - 2021 được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Trong đó, ba dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 118.000 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia là 55.000 tỷ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công.

Nhà nước hỗ trợ toàn bộ giải phóng mặt bằng cho 8 dự án thành phần còn lại và góp một phần vốn xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi của các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục