Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước?

15:12' - 03/10/2016
BNEWS Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể nắm bắt cơ hội để mua và sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu.
Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước?. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố kế hoạch thoái vốn và bán cổ phần của SCIC tại 10 doanh nghiệp mà đơn vị này đang làm đại diện vốn sở hữu Nhà nước vừa qua đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Câu chuyện đặt ra, nhà đầu tư nào đủ điều kiện và tiềm lực để sở hữu phần vốn, cổ phần "đầy tiềm năng" này?

Theo SCIC, từ nay đến cuối năm 2016, SCIC sẽ hoàn tất thoái vốn và bán cổ phần 9% trong tổng số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Tiếp theo, trong năm 2017, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn và bán cổ phần tại 9 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần FPT; Công ty cổ phần viễn thông FPT; Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam; Công ty cổ phần Cơ khí và khoáng sản Hà Giang; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong; Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam; Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang.

Đánh giá về cơ hội của các nhà đầu tư đối với lộ trình thoái vốn và bán cổ phần của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu, các chuyên gia cho rằng, tổng giá trị vốn của SCIC tại 10 doanh nghiệp đang thực hiện thoái vốn và bán cổ phần nêu trên được định giá khoảng 100.000 tỷ đồng.

Cùng với chủ trương đẩy mạnh thoái vốn các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ đang tạo ra cơ hội lớn cho thị trường, tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể nắm bắt cơ hội để mua và sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC phân tích: Các doanh nghiệp như Vinamilk hoặc Sabeco được định giá khoảng 2 tỷ USD và sẽ bán ra một nửa cổ phần, tương đương khoảng 1 tỷ USD.

Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể nắm bắt cơ hội để mua và sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, các doanh nghiệp nội địa sẽ có ít cơ hội hơn các nhà đầu tư ngoại. Cụ thể hiện tại Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm năng tài chính để tìm kiếm cơ hội mua lại cổ phần của các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ý kiến một số nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư vốn vào một doanh nghiệp, không chỉ vì thương hiệu mà còn quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển trong tương lai, khả năng đạt lợi nhuận...

Đối với kế hoạch thoái vốn các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước, các nhà đầu tư đòi hỏi thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc thị trường như không giới hạn nhà đầu, không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu đủ diều kiện đều có thể tham gia.

Đồng thời, hoạt động của doanh nghiệp sau khi Nhà nước rút vốn vẫn phát triển ổn định và phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital (công ty quản lý quỹ đầu tư của nước Anh), nhận định: Từ lâu, Dragon Capital đã đầu tư vào những đợt cổ phần hóa lớn tại các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam. Đơn cử, Dragon Capital đã đầu tư vào Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), thực hiện giao dịch khi công ty này lần đầu kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, đầu tư nước ngoài chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ban hành các chính sách cởi mở hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình như năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư. Việt Nam đã mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài và đang thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa hàng loạt các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.

Theo ông Dominic Scriven, ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường vốn của Việt Nam, đặc biệt là kế hoạch thoái vốn các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, Chính phủ và cơ quan hữu quan Việt Nam phải quyết liệt và đẩy mạnh thực hiện lộ trình thoái vốn các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước hơn nữa, mới có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục