Cơ hội nào để Việt Nam có mặt trên bản đồ bán dẫn thế giới?

09:47' - 27/01/2025
BNEWS Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang sở hữu cơ hội có một không hai trong cuộc đua chinh phục vị trí quan trọng trong bản đồ công nghiệp bán dẫn của thế giới.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang sở hữu cơ hội có một không hai trong cuộc đua chinh phục vị trí quan trọng trong bản đồ công nghiệp bán dẫn của thế giới; trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế.

Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn - ngành công nghiệp đang trở thành trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu. Việc ban hành cơ chế, chính sách cụ thể là động lực to lớn để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội.

 

Ngay trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp bán dẫn cũng là một ngành mũi nhọn cho phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới. Phóng viên TTXVN thực hiện ba bài viết: “Phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn” nhằm phân tích sâu những cơ hội cũng như thách thức với ngành công nghiệp bán dẫn trong kỷ nguyên mới.

*Cơ hội có mặt trên bản đồ bán dẫn thế giới

Ở thế kỷ XX, dầu mỏ là nguồn tài nguyên quan trọng nhất, nhưng sang thế kỷ XXI, chip bán dẫn chính là "vàng đen", nguồn tài nguyên khan hiếm và tối quan trọng cho công nghệ hiện đại ngày nay. Với tiềm năng to lớn, thị trường bán dẫn dự báo đạt 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Cuộc đua đầu tư vào thị trường bán dẫn đang "nóng" hơn bao giờ hết với sự tham gia của những nhân tố mới, đầy sức nặng. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng to lớn trong cuộc đua bán dẫn, đang có những bước đi vững chắc để có được một vị trí quan trọng trên trên bản đồ bán dẫn thế giới.

*Hội tụ tiềm năng và điều kiện để cất cánh

Chip bán dẫn còn gọi là vi mạch tích hợp hay chất bán dẫn là một miếng vật liệu bán dẫn nhỏ. Hầu hết các vật liệu đều cho dòng điện chạy qua tự do hoặc chặn dòng điện nhưng chất bán dẫn, khi kết hợp với các thành phần khác sẽ có thể cho hoặc không cho dòng điện chạy qua, tạo cơ hội cho sự ra đời của các loại thiết bị mới có thể tạo ra và điều khiển dòng điện.

Ngày nay, chip bán dẫn có mặt trong hầu hết mọi thiết bị dù là nhỏ nhất. Một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã tham gia bản đồ bán dẫn từ khá sớm. Việt Nam đi sau trong cuộc đua này nhưng được đánh giá có tiềm năng to lớn và hội tụ đủ các điều kiện để nhanh chóng phát triển hệ sinh thái bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn hợp tác với nhau trong ngành bán dẫn. Hoa Kỳ nhận thấy Việt Nam đã thành công trong nhiều lĩnh vực kinh tế và xác định việc cần làm trong thời gian tới là thu hút chuỗi cung ứng bán dẫn. Việt Nam có rất nhiều lợi thế và đây là điều mà Hoa Kỳ đang tìm kiếm, ông Adam Sitkoff cho biết.

“Với việc các nhà đầu tư về bán dẫn đi vào Việt Nam và mong muốn sản xuất các con chip tại Việt Nam thì đây là cơ hội để chúng ta chuyển hóa nền sản xuất, tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và tạo ra năng suất lao động cao hơn, khả năng chúng ta có thể đạt đến một nền công nghiệp hiện đại”, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD. Một cú hích lớn vào tháng 12/2024, đó là việc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) công bố thông tin về hợp tác giữa Việt Nam với NVIDIA - một tập đoàn lớn về chip và trí tuệ nhân tạo của Hoa Kỳ, để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rrí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC (Vietnam Research and Development Center) cùng với Trung tâm Dữ liệu AI. Sự xuất hiện của Tập đoàn NVIDIA sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nước ta, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các dự án công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, với lượng vốn đầu tư nhiều tỉ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định tiềm năng và cơ hội của Việt Nam đối với ngành công nghiệp bán dẫn đến từ thế mạnh về hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có khát khao học hỏi và vươn lên. Hệ sinh thái công nghiệp nâng đỡ gồm các khu công nghiệp và khu công nghệ cao đã được hoàn thiện.

Nhờ đó, hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế ngày càng khởi sắc, đặc biệt là trong những lĩnh vực mới như bán dẫn. Với các thế mạnh riêng, Việt Nam đang thu hút các tập đoàn toàn cầu đến đầu tư trong bối cảnh cuộc chạy đua bán dẫn đang nóng.

Đặc biệt, những năm gần đây, sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã và đang mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút được các "đại bàng công nghệ đến làm tổ" và ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Bên cạnh hàng chục doanh nghiệp FDI liên quan đến bán dẫn đang hoạt động, hiện Việt Nam đã chính thức có 2 doanh nghiệp nội địa bước vào sân chơi bán dẫn là FPT Semiconductor và Tập đoàn Viettel. Tuy nhiên, công nghiệp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đội ngũ nhân lực cùng chuyên gia trình độ cao và quan trọng nhất là cần thời gian với một tầm nhìn dài hạn để Việt Nam trở thành cái tên quan trọng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

* Đón đầu cơ hội lớn

Để đón đầu những cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam, nhiều cơ chế chính sách cụ thể về công nghiệp bán dẫn đã được ban hành. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 - 2030), tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050), trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến năm2040, nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân.

Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 791/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ cũng thành lập Tổ chuyên gia tư vấn chuyên môn về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ quan tham mưu, tư vấn độc lập, chuyên nghiệp, có tầm nhìn chiến lược, nhằm cung cấp các kiến thức, phân tích chuyên sâu về chuyên môn để tham mưu, tư vấn giúp Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và sẵn sàng cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Dự án điện hạt nhân đã được Quốc hội thông qua quyết định tái khởi động. Đây chính là những động lực cụ thể để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cất cánh, đưa nước ta góp mặt vào bản đồ bán dẫn mới của thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục