Cơ hội nghề nghiệp nào cho sinh viên trong kỷ nguyên AI?

14:53' - 19/05/2024
BNEWS Vừa qua, Đại học FPT Cần Thơ cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) tổ chức Hội thảo “Bức tranh AI toàn cầu và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên”.

Hội thảo cũng cho thấy góc nhìn toàn cảnh về sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực này cho sinh viên trong tương lai.

 

Tại sự kiện, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo đã chia sẻ và phân tích “Làn sóng mới của trí tuệ nhân tạo - Thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc như nào”. Theo ông Đào Trung Thành, lợi ích to lớn của AI trong khả năng hỗ trợ con người ở nhiều lĩnh vực là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, AI có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu con người không sử dụng chúng đúng cách.

“Bằng chứng là theo diễn đàn Kinh tế Thế giới, AI có thể thay thế 85 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2025. Nguy cơ mất việc làm do tự động hóa là mối lo ngại lớn, đặc biệt là với những ngành nghề có tính chất lặp đi lặp lại. Hơn nữa, sự phát triển vượt bậc của AI cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề đạo đức, an ninh mạng và quyền riêng tư. Ví dụ, công nghệ Deepfake có thể tạo ra video giả mạo cực kỳ chân thật, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch và thao túng dư luận”, ông Đào Trung Thành cho biết.

Theo ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn, nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến AI đã tăng 74% mỗi năm trong 5 năm qua. Sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, toán học, thống kê, hay kỹ thuật phần mềm có lợi thế lớn trong việc tiếp cận những công việc như: kỹ sư AI, nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên phát triển thuật toán… với mức lương trung bình cao hơn 30% so với các ngành nghề khác. Đối với sinh viên các ngành công nghệ, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đặt ra đối với con đường sự nghiệp sau khi ra trường.

Ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI (AIIC) cho rằng, hiện nay, sinh viên có thể ứng dụng AI như một trợ lý học tập đắc lực, phát triển thêm các kỹ năng liên quan để phục vụ nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào AI có thể kìm hãm sự sáng tạo và tư duy phản biện của các bạn. Bên cạnh đó, nguy cơ gian lận học thuật cũng gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả và sở hữu trí tuệ khi AI có thể được sử dụng để viết luận văn hay giải hộ bài tập. Do đó, việc ứng dụng AI trong giáo dục cần đi kèm với việc giáo dục đạo đức, giúp sinh viên sử dụng AI một cách có trách nhiệm, biết chọn lọc thông tin và phát triển khả năng tư duy độc lập.

Tại chương trình, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp cũng trao đổi, giải đáp thắc mắc của sinh viên và giảng viên xoay quanh các câu hỏi như: cơ hội nghề nghiệp trong ngành Blockchain và AI có dành cho tất cả mọi người; các rủi ro pháp lý cũng như khả năng thao túng thông tin và mức độ chính xác của thông tin do AI đưa ra; sự phát triển của AI có đe dọa tương lai của nhân loại…

Hội thảo là hoạt động thứ 6 trong chuỗi Chương trình Unitour 2024 của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo, dự kiến sẽ tổ chức tại 30 trường Đại học trên khắp Việt Nam nhằm phổ cập Blockchain và AI tới 100.000 sinh viên; đồng thời trao 1.000 suất học bổng cho các sinh viên có niềm đam mê với hai lĩnh vực này. Chương trình có sự tham gia, đồng hành hỗ trợ, chia sẻ thông tin, báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo FPT AI Quy Nhơn cùng nhiều doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục